Thiếu trách nhiệm hay bỏ lọt dự án "chồng" dự án?
Hơn 10 năm qua, ông Đặng Đức Chúc (cư trú tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương) hiện đang quản lý sử dụng Cảng nội địa Phú Thái, cảng hoạt động những năm qua đã đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của tỉnh Hải Dương, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc thiếu thận trọng trong công tác quản lý, lập dự án đầu tư, thẩm duyệt, phê duyệt, cấp phép đầu tư, cấp pháp xây dựng…UBND tỉnh Hải Dương "vô tình" để "lọt" Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Thương mại Thế Anh (công ty Thế Anh) được cấp phép hoạt động cảng và bến bãi chồng lấn (diện tích 12.404,0m2) án ngữ khu đất dự án của Cơ sở Cảng nội địa Phú Thái của ông Chúc sử dụng nhiều năm trước đó. Việc cấp chồng lấn diện tích đất trên dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế mà nghiêm trọng hơn đã kéo theo hàng loạt cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương phải mất nhiều thời gian thanh tra, kiểm tra kéo dài sự việc.
Căn cứ theo hồ sơ pháp lý và các văn bản liên quan cho thấy, nguyên nhân chính khiến vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài suốt 10 năm qua là do cấp sở ngành liên quan của tỉnh Hải Dương đã tham mưu để UBND tỉnh cấp phép cho ông công ty Thế Anh "chen" lấn vào diện tích khu vực mà ông Chúc đã sử dụng nhiều năm phục vụ hoạt động cơ sở cảng Phú Thái, khiến sự việc chưa có hồi kết.
Điều này đã thể hiện đẩy đủ tại Kết luận thanh tra Số 519/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Hải Dương ký ngày 12/8/2019 về việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai đối với Công ty Thế Anh tại Dự án cơ sở Cảng Phú Thái, TT Phú Thái và xã Kim Lương huyện Kim Thành. Và Kết luận số 520/KL –TTr của Thanh tra tỉnh Hải Dương ngày 12/8/2019 về chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và xây dựng trong thực hiện dự án Cơ sở cảng Phú Thái của ông Đặng Đức Chúc làm chủ đầu tư.
Được biết, dự án đầu tư của gia đình ông Chúc đã được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền là UBND huyện Kim Thành tại văn bản số 224/VB-UB ngày 25/9/2003. Sau khi được chấp thuận, Dự án đã được đầu tư, đã hoạt động và phát triển, thời gian dự án được chấp thuận đến thời điểm có Kết luận thanh tra nêu trên đã hoạt động ổn định gần 16 năm…
Quyền lập mặt bằng bến bãi để trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu thuyền tại bãi ngoài đê sông hữu Kinh Môn, từ Km16 + 150 ÷ Km16 + 450 của ông Chúc đã được xác lập bằng Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND tỉnh Hải Dương.
Cho đến nay, không có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND tỉnh Hải Dương là quyết định trái pháp luật. Vị trí, diện tích mặt bằng bến bãi theo Quyết định 162 đồng thời thuộc vị trí, diện tích đất thực hiện dự án đầu tư của gia đình ông Chúc đã được chấp thuận; theo đó, gia đình ông Chúc đã đầu tư thực hiện dự án đồng nghĩa mặt bằng bến bãi theo Quyết định 162 cũng đã được đầu tư, đến thời điểm có Kết luận thanh tra, thời gian Quyết định số 162 được ban hành cũng đã được gần 16 năm.
Theo hồ sơ pháp lý, Cảng thủy nội địa Phú Thái đã được hình thành bởi Quyết định của cơ quan có thẩm quyền là Cục đường thủy nội địa Việt Nam: Quyết định số 211/QĐ-CĐS ngày 07/4/2008; Quyết định số 31/QĐ-CĐTNĐ ngày 13/01/2011 và Quyết định số 506/QĐ-CĐTNĐ ngày 09/5/2016. Gia đình ông Chúc đã đầu tư xây dựng Cảng và Cảng đã hoạt động được nhiều năm. Văn bản chấp thuận đầu tư số 224/VB-UB ngày 25/9/2003 của UBND huyện Kim Thành và Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND tỉnh Hải Dương là những căn cứ quan trọng để Cục đường thủy nội địa Việt Nam quyết định công bố Cảng thủy nội địa Phú Thái. Cảng thủy nội địa Phú Thái đã thuộc Quy hoạch hệ thống cảng hàng hóa theo Quyết định số 1112/QĐ-BGTVT ngày 26/4/2013 của Bộ Giao thông Vận tải. Tính đến thời điểm hiện tại, Cảng thủy nội địa Phú Thái đã hình thành hợp pháp và hoạt động được hơn 11 năm. Các Quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tạo cơ sở pháp lý cho gia đình ông Chúc tiếp tục thực hiện đầu tư.
Ông Đặng Đức Chúc cho rằng: "Dự án đã hoạt động thì không thể gần 16 năm sau lại tước bỏ quyền thực hiện dự án đầu tư của gia đình tôi, kể cả là tước bỏ một phần, nhất là khi không phải vì lý do an ninh quốc phòng hay mục đích công cộng. Đến thời điểm hiện tại, dự án đầu tư của gia đình tôi vẫn nguyên vẹn, bao gồm cả diện tích đất thực hiện dự án.
Ông Chúc thông tin thêm: "Tôi không có nguyên vọng/nhu cầu điều chỉnh thu hẹp quy mô thực hiện dự án, nhất là khi thời gian dự án ra đời đã được gần 16 năm. Tôi đã đầu tư đang hoạt động ổn định, hiệu quả và Cảng Thủy nội địa Phú Thái gắn liền với dự án đã được công bố. Tôi không có đề nghị điều chỉnh thu hẹp quy mô thực hiện dự án trong đó có diện tích đất thực hiện dự án thì dự án không thể bị điều chỉnh".
12.404,0 m2 đất chồng lấn và 11 năm bảo vệ dự án cảng
Hơn 11 năm qua, kể từ ngày tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án của Công ty Thế Anh, gia đình ông Chúc kiên cường bảo vệ 12.404,0 m2 đất trong diện tích đất dự án của gia đình mình chính là bảo vệ sự nguyên vẹn của Dự án, thể hiện nguyện vọng được sử dụng đất theo dự án trong đó có 12.404,0 m2.
Luật sư Nguyễn Kiều Đông (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương) cho biết: Một khi xem xét đến 12.404,0 m2 đất đang thuộc dự án của gia đình ông Chúc và xem xét Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND tỉnh Hải Dương dù với bất cứ lý do gì ngoài ý chí của gia đình ông Chúc thì phải xem xét, tính toán toàn diện các vấn đề có liên quan, trong đó có một số vấn đề rất quan trọng là, các quyết định là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, các quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quyền thực hiện dự án đầu tư, quyền lập mặt bằng bến bãi và tư cách chủ sở hữu Cảng thủy nội địa Phú Thái của gia đình ông Chúc mới được xác lập.
Diện tích 12.404,0 m2 nêu trong kết luận thanh tra đã thuộc diện tích đất dự án của gia đình ông Chúc từ tháng 9/2003, thuộc mặt bằng bến bãi gia đình ông Chúc được phép lập từ tháng 01/2004, thuộc đất của Cảng thủy Phú Thái từ tháng 7/2008; gia đình ông Chúc đã và đang sử dụng diện tích đất này.
Luật sư Nguyễn Kiều Đông phân tích, sau khi UBND huyện Kim Thành đã ban hành văn bản chấp thuận đầu tư số 224/VB-UB ngày 25/9/2009 và UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 Cục đường thủy nội địa Việt Nam mới công bố Cảng thủy nội địa Phú Thái bằng việc ban hành các Quyết định số 211/QĐ-CĐS ngày 07/4/2008, số 31/QĐ-CĐTNĐ ngày 13/01/2011 và số 506/QĐ-CĐTNĐ ngày 09/5/2016. Căn cứ các văn bản trên cho thấy, hậu quả pháp lý của văn bản chấp thuận đầu tư, của quyết định cho phép lập mặt bằng bến bãi không chỉ tạo ra đối với gia đình ông Chúc mà còn đối với cả Cục đường thủy nội địa Việt Nam; Cảng Phú Thái đã được công bố, đầu tư và hoạt động nên thuộc Quy hoạch hệ thống cảng hàng hóa theo Quyết định số 1112/QĐ-BGTVT ngày 26/4/2013 của Bộ giao thông vận tải, điều này cũng đồng nghĩa, chỉ có Cảng thủy nội địa Phú Thái, không có Cảng khác tại vị trí Cảng thủy nội địa Phú Thái đã được công bố.
Dự án của gia đình ông Chúc được chấp thuận từ năm 2003. Thời điểm dự án được chấp thuận và nhiều năm sau đó, khi dự án đã đi vào hoạt động, tại vị trí đất hiện nay bao gồm cả 12.404,0 m2, Dự án đầu tư của gia đình ông Chúc là duy nhất, đúng như Kết luận thanh tra đã nêu "dự án mới của hộ kinh doanh cá thể đầu tiên trên địa bàn huyện Kim Thành và trong tỉnh". Do vậy, về mặt pháp lý và hiện trạng sử dụng không thể tùy ý lập dự án tương tự chồng lấn là hết sức phi lý.
Mới đây nhất, Kết luận thanh tra Số 519/KL-TTr và Kết luận 520 của Thanh tra tỉnh Hải Dương ký ngày 12/8/2019 về việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai đối với Công ty Thế Anh tại Dự án cơ sở Cảng Phú Thái đã chỉ ra nhiều vi phạm đối với dự án này.
Báo Dân Sinh sẽ tiếp tục thông tin nội dung này ở bài báo tiếp theo!