VTC.vn đưa tin, trong cuộc họp ngày 18/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp chuẩn bị Đề án về chủ trường xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan hữu quan, như Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…
Sau khi nghe báo cáo và trình bày ý kiến của các đơn vị tham dự, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận, do vai trò ý nghĩa đặc biệt của hành lang giao thông Bắc-Nam, nên kế hoạch đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xem là hết sức quan trọng.
Bộ Giao thông vận tải và tổ tư vấn đã hoàn thành "Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam".
Để tăng tính thuyết phục, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tại tiếp tục chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, chuẩn bị kĩ nội dung của đề án, nhất là làm rõ kinh nghiệm quốc tế, vấn đề nội địa hóa, lựa chọn tốc độ chạy tàu, cơ cấu loại hình vận tải và tác động của dự án.
Bộ Giao thông vận tải và tổ tư vấn sẽ phải tính toán khả năng bố trí vốn đầu tư, lựa chọn giai đoạn đầu tư, dự kiến là trong giai đoạn 2021-2030 hoặc là sau năm 2030.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ Kế hoạch và đầu tư tập trung thẩm định, lựa chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ, Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2020.
Sau khi trình Quốc hội, nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai vào giai đoạn 2021-2030 hoặc sau 2030.
Giai đoạn 2021-2030, một hoặc hai đoạn tuyến đường sắt cao tốc sẽ được đề xuất xây dựng, ưu tiên đoạn TP.HCM đi sân bay Long Thành (Đồng Nai) và một số đoạn ưu tiên khác.
Trước đó, ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 559/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng.
Ủy viên hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương... Ngoài ra, còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo 20 tỉnh, thành nơi tuyến đường sắt đi qua.
Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng được thực hiện theo Nghị định 131 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia; có quyền yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn cung cấp tài liệu liên quan trong quá trình thẩm định. Kết luận thẩm định dự án quan trọng quốc gia của hội đồng trước khi trình Chính phủ phải được ít nhất 2/3 thành viên thông qua.
Hội đồng được thuê liên danh tư vấn trong và ngoài nước để bảo đảm độc lập, khách quan với tư vấn lập dự án, được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ Kế hoạch Đầu tư và giải thể sau khi hoàn thành công việc.