Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm

(Dân sinh) - Ngày 29/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2021.

Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng phát biểu tại hội thảo

Với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp (DN), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hội nghị đã trao đổi các nội dung gắn kết GDNN với doanh nghiệp và các nội dung về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng là sóng dịch chuyển FDI và việc làm; chương trình đào tạo cán bộ doanh nghiệp; thảo luận hợp tác GDNN với doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất.Các đại biểu cho rằng, hợp tác giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chính là khâu đột phá để fcho rănphát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy báo cáo về các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp năm 2020 và một số nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2021.Theo ông Vũ Xuân Hùng, mặc dù có nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng về cơ bản các hoạt động trong năm 2020 đã bảo đảm kế hoạch, góp phần thúc đẩy việc gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Cơ chế phối hợp 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp tiếp tục đang phát triển và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Các kết quả hoạt động nói trên đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với thị trường lao động và giải quyết việc làm.

Hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp cũng ngày càng được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, tạo điều kiện về nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm cho việc nghiên cứu, triển khai các hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong năm qua, ngành GDNN đã lồng ghép kết nối việc làm, xuất khẩu lao động trong các hội nghị giao ban nghiệp vụ với các địa phương, cơ sở, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong việc phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên GDNN năm 2020 tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN, dự án khởi nghiệp "Local Brand" của các em sinh viên đến từ trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã xuất sắc được doanh nghiệp đầu tư 1 tỷ đồng để hỗ trợ triển khai dự án.

Mặt khác, năm 2020, TCGDNN cũng tổ chức nhiều các hoạt động truyền thông với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở GDNN, cơ quan báo chí nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp về gắn kết hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, hiện nay trường có những chương trình gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Đặc biệt có những doanh nghiệp lớn như Hanwha đang gắn kết với cao đẳng này để đào tạo 800 kỹ sư thực hành, sẵn sàng trả toàn bộ học phí cho học viên được tuyển chọn và kí hợp đồng ngay từ khi tuyển sinh. Tuy nhiên, theo ông Khánh, chỉ có 5% doanh nghiệp trên cả nước là doanh nghiệp lớn có nhiều nhân công. Vì vậy, việc đưa đông đảo giáo viên dạy nghề của tất cả các cơ sở GDNN tới học hỏi ở doanh nghiệp là không dễ. Bên cạnh đó, việc phối hợp đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng cần sự phối hợp một cách cởi mở và cầu thị để phù hợp với yêu cầu của cả hai bên.

 Ông Phạm Xuân Khánh cho rằng, nếu đào tạo đúng chuẩn, đúng xu hướng thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp đang khát lao động.

Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng: Đánh giá chất lượng, hiệu quả GDNN thì không thể thiếu được vai trò của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp là nơi đánh giá chính xác và hiệu quả nhất về chất lượng GDNN. Năm 2020, hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã được triển khai với nhiều giải pháp. Trong đó, đã kiện toàn tổ công tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp, khai thác những giải pháp gắn kết đào tạo nghề với thị trường lao động với sự tham gia của doanh nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu cho Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ một số chính sách, phối hợp, tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy sự kết nối hệ thống GDNN với các doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch gắn kết GDNN với thị trường lao động, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đầu ra, thành lập các hội đồng kỹ năng ngành có sự tham gia của doanh nghiệp, đào tạo cán bộ trong doanh nghiệp, trang bị kỹ năng dạy học cho người làm công tác dạy nghề…Các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn, việc hợp tác với doanh nghiệp chính là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực trình độ kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như: Ban hành danh mục nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo; Phối hợp với Tổng cục thuế hướng dẫn thực hiện các quy định về ưu đãi thuế đối với các DN; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên các DN sử dụng nhiều lao động qua đào tạo nghề nghiệp; Xây dựng phần mềm kết nối cung - cầu; cơ sở dữ liệu lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước;…