Theo đó, chiều tối 10/3, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Châu Hưng (Hưng Yên), doanh nghiệp kí hợp đồng XKLĐ đối với anh Nguyễn Mạnh Cường ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh- Hà Tĩnh (thuyền viên bị mất tích trong vụ cháy tàu ở Hàn Quốc) đã đến thăm hỏi gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường tại quê nhà.
Đồng thời cho biết, Ban Quản lý lao động tại Hàn Quốc vừa có công văn gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thông báo về việc Hàn Quốc kết thúc tìm kiếm tập trung, chuyển sang tìm kiếm kết hợp kể từ lúc 18 giờ, ngày 9/3 đối với 5 thuyền viên Việt Nam mất tích trong vụ cháy tàu Hải Dương số 307 xảy ra trên vùng biển thuộc đảo Jeju, Hàn Quốc sáng ngày 4/3.
Theo thông tin từ Cảnh sát biển Hàn Quốc: Từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn ngày 4/3 đến 18 giờ ngày 9/3, lực lượng chức năng Hàn Quốc đã huy động tổng cộng 234 lượt tàu, thuyền và 45 máy bay tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, nhưng vẫn không phát hiện người mất tích cũng như các vật dụng liên quan trôi nổi trên biển.
Ngoài ra, do chiếc tàu chìm nằm ở độ sâu lớn, thợ lặn không thể tiếp cận được nên Cảnh sát biển Hàn Quốc cũng đã sử dụng thiết bị tìm kiếm dưới nước không người lái (ROV), tuy nhiên, ROV không thể mở các cửa phòng trên tàu tiến vào tìm kiếm bên trong được.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các gia đình của 5 thuyền viên bị mất tích tiếp tục liên lạc với nhau và liên hệ với các chủ doanh nghiệp Việt Nam kí kết hợp đồng XKLĐ đưa các lao động sang Hàn Quốc làm việc trên chiếc tàu bị nạn, yêu cầu chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng 5 lao động trên làm giấy thông hành cho người thân của họ hiện đang làm việc tại Hàn Quốc, được ra đảo Jeju để theo dõi và kết hợp việc tìm kiếm nạn nhân.
Trước đó, ngày 8/3, chị Hồ Thị Mai (một lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc), người nhà của nạn nhân Biện Văn Hoài, và là đại diện cho gia 5 gia đình nạn nhân đã liên hệ qua điện thoại với chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phía Hàn Quốc, yêu cầu trục vớt tàu để tìm thi thể các nạn nhân.
Tuy nhiên, bà chủ doanh nghiệp này chỉ nói, sẽ cố gắng, sau đó cúp máy. Từ đó đến nay, chị Mai liên tục gọi thêm 6 cuộc điện thoại, nhưng bà này không nghe máy, khiến người thân các nạn nhân càng bức xúc.
Trao đổi với PV Báo Dân sinh, ông Hồ Xuân Tĩnh chủ tịch UBND xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh cho biết: "Hiện xã Kỳ Khang có hơn 1.700 lao động đang làm việc tại nước ngoài. Trường hợp anh Nguyễn Văn Cường là công dân địa phương bị mất tích, chính quyền địa phương đã nắm được thông tin và đã tổ chức thăm hỏi động viên gia đình. Theo nguyện vọng gia đình, yêu cầu được cho người thân là anh Nguyễn Hữu Hòa đang làm việc tại Hàn Quốc được ra đảo Jeju tham gia tìm kiếm trục vớt chiếc tàu để tìm thi thể anh Cường là hoàn toàn chính đáng."
Các thuyền viên bị mất tích trên con tàu đánh cá trên có 2 người quê ở Hà Tĩnh, 2 người quê ở Quảng Ngãi và 1 người quê ở Quảng Bình, gồm: Biện Văn Hoài (SN 1975) tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh; Nguyễn Văn Cường (SN 1996) tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh); Đỗ Sử (SN 1997) và Phan Tâm Sơn (SN1990) đều quê ở Quảng Ngãi; Phạm Văn Nghĩa (SN 1995) quê ở Quảng Bình).