Để tiếp cận vị trí nơi rừng bị phá, chúng tôi phải xuất phát từ rạng sáng. Hơn 1 giờ vượt núi mới đến hiện trường, dù từ UBND xã có thể nhìn thấy ngọn núi này.
Người dẫn đường cảnh báo lâm tặc rất manh động, phát hiện có người lạ sẽ lập tức báo động đồng bọn phục kích, đón đầu tại làng Bya. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi men theo sườn núi để chụp hình, quay phim. Hiện trường cho thấy lâm tặc chọn cắt những cây gỗ dổi đường kính hơn một người ôm, hàng chục thân gỗ dổi vừa bị cắt hạ, xẻ hộp vuông vắn nằm rải rác khắp cánh rừng. Được biết sau khi xẻ lóng gỗ, lâm tặc sẽ dùng trâu kéo gỗ ra bìa rừng.
Tiếp nhận thông tin từ phóng viên về vụ khai thác lâm sản trái phép nói trên, ông Phan Thanh Vân – Chủ tịch UBND xã Sơ Ró tỏ ra "bất ngờ". Bởi theo ông Phan Thanh Vân từ trước đến nay xã làm tốt công tác bảo vệ rừng. Cụ thể trong năm 2019 trên địa bàn chỉ xảy ra 3 vụ cất giấu lâm sản trái phép vắng chủ với khối lượng hơn 9m3. Còn năm 2020 phát hiện một vụ vận chuyển lâm sản với khối lượng gần 1m2. Trước câu hỏi từ vị trí rừng bị tàn phá đến UBND xã Sơ Ró chỉ khoảng 4km, liệu có hay không sự tiếp tay của cán bộ chức trách?
Ông Phan Thanh Vân cam kết: "Nếu tôi mà bảo kê thì tôi nghỉ việc". Liên quan đến vụ việc, ông Phan Văn Trung – Chủ tịch UBND huyện Kông Chro đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào hiện trường kiểm tra, xử lý vụ việc khai thác lâm sản mà phóng viên đã thu thập được.