Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100 nghìn đồng so với cuối tuần qua.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,95 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng miêng SJC tại TP.HCM niêm yết ở mức 41,93 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng trong nước được Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 41,78 – 41,98 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức giá này tăng 80.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch ngày 25/10.
Mở cửa đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 41,52 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,72 triệu đồng/lượng (bán ra). So với phiên cuối tuần, giá vàng đã 230 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tiêu điểm tuần qua là vấn đề Brexit, dự định điều chỉnh lãi suất của Fed đã tác động tới giá vàng. Lãi suất thấp hơn gây sức ép lên đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ, làm tăng sức hút của tài sản không sinh lời như vàng.
Đầu tuần, giá vàng thế giới giảm trở lại và rời xa ngưỡng 1.500 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD vẫn xu hướng đi xuống và sự thận trọng vẫn bao trùm trên các thị trường tài chính thế giới.
Vàng giảm giá cho dù đồng bạc xanh giảm khá nhanh xuống mức thấp nhất 9 tuần. Chỉ số DXY đo lường biến động của đồng USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt đang hướng về ngưỡng 97 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 99,56 điểm ghi nhận hồi đầu tháng 10.
Sang phiên ngày 23/10, giá vàng thế giới rập rình tăng trở lại cho dù các thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và giới đầu tư đặt kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng như tiến trình nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) sẽ tốt đẹp.
Trong khi đó, các thị trường cũng thận trọng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Cho dù có nhiều tín hiệu cho thấy, 2 bên đã đạt nhiều tiến triển trong đàm phán thương mại, nhưng một thỏa thuận toàn diện có lẽ sẽ còn lâu và sóng gió trên các thị trường tài chính có thể nổi lên bất cứ lúc nào.
Giá vàng thế giới tiếp tục biến động khó lường trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận các thông tin trái chiều từ nước Mỹ cũng như khu vực châu Âu và Trung Quốc.
Những thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các đơn đặt hàng bền lâu của Mỹ trong tháng 9 giảm 1,1%, thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường và tiêu cực hơn so với mức tăng 0,3% trong tháng 8.
Đây là điều khiến nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng là lý do để Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa trong tuần tới. Nếu Fed giảm lãi suất đồng USD sẽ giảm và vàng tăng giá.
Về tổng thể, xu hướng tăng của vàng vẫn chiếm ưu thế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nhu cầu vàng đã có dấu hiệu suy giảm, nhập khẩu vàng Ấn Độ đã giảm 68% trong tháng 9, chạm mức thấp trong 3 năm. Giới đầu tư, dường như một số đang chờ đợi khi kỳ vọng rằng vàng sẽ tiếp tục giảm giá.