VOV phản ánh, đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/12, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào 55,40 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 55,90 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày. Chênh lệch giá bán vàng vẫn đang cao hơn giá mua 500.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 55,30– 55,90 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với mở cửa phiên giao dịch ngày 29/12. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI hiện là 600.000 đồng/lượng.
Cuối giờ chiều 29/12 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco vẫn đang ở mức 1.878,9 USD/oz. Quy đổi giá vàng thế giới theo giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 23.220 VND, giá vàng thế giới tương đương 52,56 triệu đồng/lượng, thấp hơn 3,34 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ở cùng thời điểm
Theo tờ Thế giới và Việt Nam, bước vào tuần giao dịch cuối cùng của năm, mức tăng vững chắc đáng chú ý của chứng khoán Mỹ đã hạn chế bất kỳ khả năng tăng bền vững nào đối với giá vàng, hoặc để có thể giữ giá trên ngưỡng 1.900 USD/ounce. Trong khi, USD hiện không có nhiều biến động.
Đà tăng của giá vàng thế giới đang bị chặn lại khi dòng tiền chảy trở lại vào thị trường chứng khoán và tiền ảo. Bitcoin đã tăng liên tục và chạm mốc cao nhất là 28.000 USD/Bitcoin trước khi giảm giá còn 26.269 USD/Bitcoin.
Một yếu tố khiến giá vàng khó tăng cao hơn trong phiên 29/12 là các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm. Đặc biệt, chứng khoán Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 30 năm nhờ tâm lý lạc quan trước cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ về việc tăng khoản cứu trợ cho người lao động nước này lên 2.000 USD.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng khởi động tuần cuối cùng của năm 2020 với đà tăng, giúp các chỉ số chủ chốt tăng lên mức cao kỷ lục mới. Đà tăng của Phố Wall diễn ra khi giới đầu tư hứng khởi trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá khoảng 900 tỷ USD và dự luật ngân sách trị giá 1.400 tỷ USD nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ đến hết tài khóa 2021 và hỗ trợ nền kinh tế đang lao đao vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thị trường lại được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực như Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR đã mua vào 2,33 tấn. BNP Paribas thì nhận định giá vàng sẽ đạt đỉnh trong quý II của năm tới, với mức trung bình là 2.010 USD/ounce.
Chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX cho biết, dù đồng USD yếu hơn đã hỗ trợ giá vàng phần nào, kim loại quý này sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ vững chắc hơn. Thêm vào đó, áp lực lên giá vàng có thể tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Thậm chí, ngân hàng trung ương này có thể sẽ thảo luận về việc hạn chế các chương trình nới lỏng định lượng, nếu triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ được cải thiện trong năm tới.
Có vẻ như giá vàng khó đạt ngưỡng 1.900 USD trong những ngày cuối cùng của năm cũ 2020.