Đó là thông tin được, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại tham luận "Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước" được trình bày tại Đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 vẫn vượt mục tiêu đề ra và đạt khoảng 6,9 triệu tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011-2015, đạt trên 25% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Thu ngân sách địa phương (NSĐP) có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng đã góp phần tăng cường tính tự chủ cho NSĐP. Tỷ trọng thu NSĐP trong tổng thu NSNN đã tăng từ 37,4% giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 45% giai đoạn 2016-2020; quy mô thu NSĐP giai đoạn 2016-2020 gấp khoảng 1,9 lần giai đoạn 2011-2015, cao hơn mức tăng quy mô thu NSNN nói chung (khoảng 1,6 lần).
Số lượng các địa phương có số thu NSNN trên địa bàn vào nhóm trên 10.000 tỷ đồng, từ 5.000 nghìn đến dưới 10.000 tỷ đồng và từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng không ngừng tăng qua các năm, cụ thể: năm 2016 tương ứng là 15 địa phương, 11 địa phương và 37 địa phương thì đến hết năm 2020 tương ứng là 30 địa phương, 16 địa phương và 16 địa phương.
Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, quy mô chi bình quân 05 năm 2016-2020 khoảng 27,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP); cơ cấu lại, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đột phá chiến lược của nền kinh tế về hạ tầng, về nguồn nhân lực.
Tỷ trọng bố trí chi đầu tư phát triển nguồn NSNN trong giai đoạn 2016-2020 đạt 28-29% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%), tập trung cho các công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn, nâng cao khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế, cải thiện mạnh mẽ hạ tầng nông nghiệp, nông thôn,... Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng tăng 22 bậc (từ 99/140 năm 2015 lên 77/141 năm 2019).
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên bố trí chi ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng như giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, môi trường theo các nghị quyết của Đảng và Quốc hội; dành nguồn tăng chi cải cách tiền lương công chức, viên chức, lương hưu và trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công (trong giai đoạn 2010-2020, đã tăng gấp hơn 2 lần); thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân các địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân vào đường lối Đảng và Nhà nước.
"Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch covid -19 diễn ta, chúng ta đã chủ động, kịp thời thực hiện hệ thống các giải pháp miễn, giảm, giãn, gia hạn khoảng 128 nghìn tỷ đồng thu NSNN, đồng thời bảo đảm nguồn đáp ứng nhu cầu chi phòng chống đại dịch Covid-19, chi cứu trợ cứu nạn, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất" – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Trên cơ sở kết quả đạt được và những dự báo bối cảnh tình hình đất nước và trên thế giới thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò định hướng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Ngành Tài chính xác định, nhiệm vụ trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại NSNN, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; hoàn thiện việc sắp xếp khối DNNN, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hoá công tác quản lý; cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.