Làm gì để bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài nhưng có một nguyên nhân được xem là mấu chốt khiến doanh nghiệp chây ì, trốn đóng bảo hiểm của người lao động hoặc sẵn sàng đóng phạt hành chính, đó chính là những bất cập trong quy định của pháp luật về tội danh này. Vì thế, có những vụ việc tưởng đã đem ra xử hình sự được nhưng khi xem xét kỹ lưỡng lại chưa đủ căn cứ pháp lý để khởi tố. Do đó, có những doanh nghiệp cố tình không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người lao động.
Thời gian qua, tại Đồng Nai đã xảy ra tình trạng chủ doanh nghiệp người nước ngoài bỏ trốn về nước khiến người lao động lao đao, cơ quan chức năng phải đau đầu giải quyết hệ lụy mà doanh nghiệp để lại. Nhiều doanh nghiệp tuy đã bị xử phạt hành chính, bị khởi kiện nhưng vẫn cố tình dây dưa nợ đọng kéo dài.
Khi các danh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT khiến cho người lao động không được chi trả lương đúng thời hạn, cắt giảm các chế độ phúc lợi, ốm đau đi bệnh viện không được hưởng chế độ bảo hiểm... Không ít lao động biết doanh nghiệp nợ bảo biểm của mình nhưng không dám có ý kiến vì sợ mất việc làm. Có những lao động vì doanh nghiệp nợ lương dài ngày khiến cuộc sống trở nên khó khăn, túng quẫn, nhất là với những lao động lớn tuổi, khó tìm được việc làm mới.
Theo ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp là 565 tỷ đồng (chiếm 2,78% kế hoạch thu), trong đó nợ BHYT là 94,6 tỷ đồng.
“Tính đến ngày 31/8/2019, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là hơn 2,5 triệu người. Trong đó, số người có thẻ BHYT là gần 2,5 triệu người (tăng hơn 6,5 ngàn người so với cuối năm 2018); đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 81,9% dân số (bao gồm lực lượng vũ trang). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn 4,6% so với chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao (86,5%); thấp hơn 5,2% so với chỉ tiêu của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao (87,1%)”
ông Phạm Minh Thành, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai
Để giải quyết tình trạng trên, ông Ngô Văn Toàn, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho biết, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH tại các danh nghiệp, Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, soạn thảo tài liệu hỏi - đáp pháp luật về BHXH.
"Đồng thời cần phải công khai danh sách các đơn vị, danh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, cảnh báo đơn vị vi phạm, khuyến khích đơn vị chủ động khắc phục. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN". Ông Toàn đề xuất.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trong buổi làm việc mới đây với các ngành liên quan về vấn đề này đã nhấn mạnh rằng, dù tỷ lệ nợ bảo hiểm của Đồng Nai thấp hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng việc nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Do đó, các đơn vị chức năng phải có nhiệm vụ thu cho bằng được số tiền nợ này để người lao động không phải tiếp tục chịu thiệt thòi.
Một số vướng mắc cần tháo gỡ
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, cơ quan BHXH tỉnh đã phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh 10 hồ sơ có dấu hiệu trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử gặp mốt số khó khăn. Bởi có những danh nghiệp vi phạm nhưng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên cơ quan điều tra chưa xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc có những trường hợp doanh nghiệp xảy ra vi phạm trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực.
Ông Doãn Cao Sơn, Phó trưởng phòng Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án kinh tế, chức vụ (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai) cho hay, điển hình là vụ việc trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Công ty cổ phần Vietbo (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom). Đây là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, có 200 NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả thanh tra liên ngành của đoàn thanh tra liên ngành về BHXH của tỉnh xác định, đến cuối tháng 9/2018, công ty này còn nợ BHXH, BHYT, BHTN khoảng 20,5 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2018, số tiền nợ khoảng 3,3 tỷ đồng. Sau đó, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này số tiền 150 triệu đồng. Và vụ việc được chuyển đến cơ quan điều tra Công an tỉnh để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
"Trước đây Sở có tham mưu cho UBND tỉnh cấm xuất nhập cảnh đối với những cá nhân đại diện cho doanh nghiệp vi phạm liên quan đến bảo hiểm. Giải pháp này đã đem đến hiệu quả nhất định, giúp cơ quan chức năng thu được số tiền nợ lớn. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lại không đồng ý giải pháp này vì cho rằng chỉ được cấm xuất nhập cảnh với những người đại diện hợp pháp cho danh nghiệp là chủ của danh nghiệp. Còn những người là đại diện cho danh nghiệp nhưng chỉ là làm thuê, không phải là chủ danh nghiệp thì không được cấm xuất nhập cảnh với họ. Điều này lại gây cho Sở và cơ quan chức năng nhiều khó khăn trong thu hồi nợ".
Ông Phạm Văn Cộng , Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội
Trước đó, ông Phạm Văn Ru - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo: "Cần phải quan tâm đặc biệt đến những doanh nghiệp đang nợ BHXH mà có đông công nhân lao động. Những doanh nghiệp nào cố tình không đóng BHXH thì tiến hành xử phạt, khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật. Lưu ý các ngành chức năng sớm hoàn chỉnh hồ sơ để đưa ra truy tố, xử lý hình sự một số doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ đóng BHXH theo quy định của pháp luật. Phải xử lý thật nghiêm minh một vài trường hợp để mang tính răn đe, làm gương cho những doanh nghiệp khác, tránh xảy ra vụ việc tương tự như công ty TNHH KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom)".