Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Giảm thiểu nguy cơ bạo lực gia đình thời Covid - 19

Tưởng rằng “24 giờ bên nhau” trong thời gian giãn cách xã hội là cơ hội để các thành viên trong gia đình giành nhiều thời gian bên nhau hơn, nhưng các báo cáo cho thấy đây chính là thời gian khiến vấn đề bạo lực gia đình cũng trở nên nhức nhối. Cần làm gì để ngăn chặn, giảm thiểu các nguy cơ này?

Bạo lực trên cơ sở giới nghiêm trọng hơn trong đại dịch

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng đưa ra cảnh báo, bạo lực trên cơ sở giới thậm chí còn nguy hiểm hơn cả đại dịch vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh mạng của hàng triệu phụ nữ và trẻ em trên thế giới. Nếu không được xử lý, bạo lực sẽ không chỉ làm trầm trọng thêm các tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19 mà còn làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo ước tính, tổn thất từ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu vào khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD. Con số này có thể còn cao hơn nếu bạo lực tiếp tục gia tăng và tiếp diễn sau hậu quả của đại dịch Covid-19.

Giảm thiểu nguy cơ bạo lực thời Covid - 19 - Ảnh 1.

Bạo lực gia đình gia tăng trong thời gian đại dịch Covid - 19 buàng phát.

Lý giải về nguyên nhân gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian cách ly xã hội, bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia giới và quyền con người của Quỹ dân số liên hợp quốc (UNFPA) cho rằng: "Tác động về kinh tế có thể đặt phụ nữ vào nguy cơ bị bạo lực về thể xác và bóc lột tình dục để có thu nhập về kinh tế, bù đắp mất mát trong bối cảnh đại dịch. Đặc biệt đó là vấn đề rất lớn đối với những gia đình có sẵn bạo lực, thông thường nam giới tìm cách duy trì kiểm soát đối với người sống cùng với mình, trong bối cảnh không được di chuyển thì việc kiểm soát của họ sẽ tăng cao hơn. Những yếu tố đó đã làm cho người phụ nữ ở trong gia đình có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn."

Bà Quỳnh Anh cũng bày tỏ lo ngại về những hệ lụy của bạo lực phụ nữ và trẻ em gái đối với bản thân người phụ nữ, gia đình và xã hội. Những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều phụ nữ phải gánh chịu những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn… Bạo lực cũng khiến phụ nữ sụt giảm nghiêm trọng về sức khỏe, không thể đi làm, ảnh hưởng đến thu nhập, chưa kể, nhiều trường hợp phải sử dụng tiền tiết kiệm để chi trả dịch vụ y tế. Không những thế, bạo lực cũng khiến cho các mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, bị phá vỡ, làm gia tăng các vụ ly hôn. Nhìn rộng ra, các vụ bạo lực làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của xã hội và ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội phân tích nguy cơ dẫn đến bạo lực trong thời gian chống dịch Covid-19, khi mà mọi người ở với nhau trong một thời gian dài sẽ nảy sinh những xung đột nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Thực hiện giãn cách xã hội cũng khiến nhiều người bị giảm thu nhập, mất việc làm, ảnh hưởng đến kinh tế chung của cả gia đình. Những lo lắng về sinh kế cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng căng thẳng và nảy sinh các vấn đề bạo lực.

Phòng chống bạo lực giới trong đại dịch

Liên hợp quốc kêu gọi các Chính phủ đưa công tác phòng, chống và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vào Kế hoạch Ứng phó với dịch bệnh Covid-19 cấp quốc gia. Riêng ở Việt Nam, tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 08/CT-TTg yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Theo Chỉ thị, cần tổ chức, triển khai hiệu quả mạng lưới quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương.

Giảm thiểu nguy cơ bạo lực thời Covid - 19 - Ảnh 3.

Nạn nhân bạo lực gia đình được hỗ trợ.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh Covid, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Cùng với việc tiếp tục triển khai Đề án phòng và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn 2030, Bộ đã kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan gồm các Trung tâm Công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ cơ giới tập trung triển khai một số nhiệm vụ như: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình và các dịch vụ của Trung tâm trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Đảm bảo ứng trực đường dây nóng 24/7 để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nạn nhân khi cần thiết; khi phát hiện những vụ việc bạo lực cần phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương hỗ trợ nạn nhân, đồng thời điều tra xác minh, thu thập chứng cứ và xử lý nghiêm đối tượng gây bạo lực theo quy định của pháp luật. Khi có nạn nhân trực tiếp đến Trung tâm thì cần phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương (Công an, Y tế, Hội Phụ nữ…) để thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19".

Số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình:

- Đường dây nóng 18001769 - Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh: hỗ trợ tư vấn, can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

- Tổng đài quốc gia 111, gọi đến hotline 111 hoặc thông báo qua ứng dụng "Tổng đài 111".

- Nhà Bình Yên (Mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới) hỗ trợ nạn nhân 24/7. Tổng đài Bình yên 1900969680/ 0946833380. Dịch vụ Nhà Bình yên là Miễn phí.

- Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), địa chỉ: số 35 ngõ 66 Dịch Vọng Hậu, làng Vòng, Cầu Giấy, Hà Nội. Hotline tư vấn miễn phí: 024 3333 55 99.