Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông học đường

(Dân sinh) - Công tác đảm bảo ATGT học đường luôn là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng được ngành GD&ĐT quan tâm, chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực.

Thông qua các hoạt động giáo dục như: Ngoại khóa, thi tìm hiểu, tích hợp trong các môn học... nhận thức, kiến thức của học sinh về ATGT ngày một nâng lên.

Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông học đường - Ảnh 1.

Kiến thức của học sinh về ATGT ngày một nâng lên.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, cứ 4 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT), chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.

PGS.TS Chu Công Minh - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông và các cộng sự đã thực hiện dự án “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện” nhằm phân tích và tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Theo ông Chu Công Minh, 3 nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra TNGT trẻ em bao gồm: Đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.

Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông - Ảnh 1.

Văn hóa giao thông trước cổng trường: Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông.

Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học do học sinh tụ tập, học sinh chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm, chở 3, đi hàng ngang... là chuyện thường gặp hàng ngày ở nhiều tuyến đường trong thành phố. 

Hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu 100% các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông - Ảnh 2.

Ảnh mang tính minh họa.

Quy định là vậy, tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, ký vậy nhưng thực hiện hay không cũng còn tùy. Còn bản thân các học sinh thì nhiều em cho rằng chuyện buộc thôi học hay đình chỉ học chỉ có tác dụng với các bạn chăm học còn với các bạn vốn ham chơi thì chẳng là vấn đề.

Các trường cũng tích cực tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh nhưng với nhiều phụ huynh, họ chỉ cần biết đưa con đến gần cổng nhất và đón con cho nhanh chứ chưa quan tâm đến ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông như trường hợp ô tô cứ phải đến sát cổng trường nhất dù đoạn đường chật hẹp. Thậm chí nhiều trường đã cho phụ huynh vào sân chờ đón con, nhưng không ít phụ huynh cứ đậu xe ngay trước cổng trường.

Thực tế, tại nhiều cổng trường học ở Hà Nội, hình ảnh lộn xộn dường như đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Vấn đề này đã trở thành một câu chuyện cũ nhưng luôn mang tính thời sự, bởi diễn ra hàng ngày. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được mang ra mổ xẻ, phân tích để tìm giải pháp, nhưng ở đây chúng tôi chỉ nói đến ý thức, văn hóa giao thông của nhiều phụ huynh còn hạn chế. Dễ thấy nhất là cảnh người đỗ dọc, kẻ dựng ngang xe một cách phản cảm. Chỉ cần một số người vô ý thức, lòng đường bỗng dưng trở nên lộn xộn, chật cứng bởi lượng người và xe.

Tại nhiều trường, chính quyền và công an các địa phương cùng nhà trường đã bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ, kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; mở thêm cổng phụ hoặc cho phụ huynh đi xe vào sân trường để đón con… 

Trong khi cũng có không ít trường, việc phụ huynh tuân thủ quy định đưa đón con đúng cổng, đúng yêu cầu của trường, xếp xe đứng chờ theo hướng dẫn, đã hầu như không còn cảnh ùn tắc, lộn xộn. Do đó, thiết nghĩ, ngoài nỗ lực của các nhà trường và lực lượng chức năng, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến văn hóa khi tham gia giao thông để con em mình đến trường được an toàn hơn.