Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Gỡ ách tắc cho thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh

(Dân sinh) - Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Sụt giảm nguồn cung

Theo đó, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.

Gỡ ách tắc cho thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng dự án nhà ở hoàn thành đã bị sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án

Trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng dự án nhà ở hoàn thành đã bị sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án, với 111ha và 12.453 căn nhà. Trong đó có 10.085 căn hộ chung cư, chỉ bằng khoảng 36% về số lượng dự án; chỉ bằng khoảng 79% về diện tích đất sử dụng đất; chỉ bằng khoảng 47% về số lượng căn nhà và chỉ bằng khoảng 49% tổng diện tích sàn xây dựng so với năm 2018.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Số liệu thống kê  của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh về số liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh kể từ năm 2017 đến hết tháng 9/2019 cho thấy, số lượng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, công nhận chủ đầu tư dự án, chấp thuận đầu tư dự án và cấp phép xây dựng dự án đều giảm dần qua các năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình" dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng "cung - cầu" do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Nhận định về những khó khăn, điểm nghẽn, ông Lê Hoàng Châu cho biết, nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản bị sụt giảm, ách tắc là một số quy phạm pháp luật, Văn bản dưới Luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến vướng mắc, xung đột, gây ra vướng mắc, ách tắc trong quá trình áp dụng pháp luật.

Đồng thời đề nghị UBND TP sớm báo cáo Chính phủ giải quyết vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Gỡ ách tắc cho thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản bị sụt giảm, ách tắc là một số quy phạm pháp luật, Văn bản dưới Luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản 11153/VPCP-CN ngày 19/10/2017: " Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh rà soát, tổng hợp các trường hợp đang sử dụng đất trên địa bàn thành phố có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, đáp ứng một trong các điều kiện sau:  Đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở;  Hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Trên cơ sở kết quả rà soát nêu trên của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định hoặc chỉ định nhà đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện".

Gỡ ách tắc cho thị trường bất động sản TP.Hồ Chí Minh - Ảnh 5.

Hiện nay, hầu như tất cả các dự án nhà ở thương mại đều vướng quỹ đất

Hiện nay, hầu như tất cả các dự án nhà ở thương mại đều có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường, hẻm (ngõ, ngách) thuộc Nhà nước quản lý, thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang lúng túng trong việc xử lý quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở. Đây là vướng mắc cần được sớm giải quyết để khai thông ách tắc của các dự án nhà ở thương mại.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở: "Nhận chuyển quyền sử dụng đất (hoặc đất ở và các loại đất khác) phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại", để phù hợp với Khoản (1.b) Điều 169 và Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.