NLĐ đưa tin, gần 5 tháng sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo các sở ngành cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ điều tra vụ án liên quan đến Công ty Nhật Cường, ngày 4/12 vừa qua, Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản gửi CO3 theo yêu cầu cung cấp tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án. Nội dung văn bản dựa trên cơ sở phối hợp với đơn vị liên quan tổng hợp, cung cấp thông tin theo yêu cầu từ CO3.
Theo văn bản của TP Hà Nội gửi CO3, trên cơ sở kết quả triển khai đạt yêu cầu đặt hàng của TP, phiên bản phần mềm năm 2016 đã được Sở Thông tin và Truyền thông ký kết hợp đồng số 68/2016/NHATCUONG-STTTT. Trong đó, các nội dung đã thực hiện gồm: Cổng dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 7 nhóm dịch vụ công khai sinh và khai tử; phần mềm ngành giáo dục (tuyển sinh đầu cấp, sổ liên lạc điện tử)...
UBND TP Hà Nội cho biết các sản phẩm trên và cơ sở dữ liệu hình thành thuộc bản quyền của TP, đến nay đã và đang thực hiện đúng lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của TP và mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống xã hội của người dân Thủ đô.
Theo Dân Trí, về ứng dụng, dịch vụ theo hợp đồng 68/2016/NHATCUONG-STTTT, đến thời điểm báo cáo, đối với nhóm 7 dịch vụ công trực tuyến khai sinh, khai tử đã tiếp nhận, giải quyết hơn 661.000 hồ sơ trực tuyến và thực hiện cấp hơn 2,2 triệu bản sao (năm 2019, tỷ lệ thực hiện trực tuyến đạt 100%).
Đối với phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp và sổ liên lạc điện tử, UBND TP Hà Nội cho biết, hệ thống phần mềm sổ liên lạc điện tử được cung cấp miễn phí nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường thường xuyên, liên tục giúp phụ huynh theo dõi được tình hình học tập của học sinh.