Theo Dân Trí, Vườn Chuối là một địa điểm khảo cổ học thời tiền sơ sử phân bố trên các gò đất ở thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Từ sau phát hiện lần đầu tiên vào năm 1969 đến nay, tại khu vực Vườn Chuối đã có 9 cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ và đã xác định đây là một phức hệ di chỉ cư trú - mộ táng phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu - Gỗ Mun - Đông Sơn thuộc giai đoạn tiền sử và sơ sử ở miền Bắc nước ta.
Hiện nay, khu vực Vườn Chuối gồm 3 gò: Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng nằm trong phạm vi dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch của TP. Hà Nội do một công ty cổ phần xây dựng làm chủ đầu tư. Phía Tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch vành đai 3,5 của thành phố.
Trong tháng 10/2019, công ty này tiến hành xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ di tích), Dền Rắn (diện tích san lấp vào phạm vi di tích khoảng 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía Nam gò Vườn Chuối.
Bên cạnh đó là hiện tượng đào trộm cổ vật xảy ra ở di chỉ Vườn Chuối diễn ra một cách công khai sau khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng khai quật.
VOV thông tin, Sở VHTT Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học - đơn vị được giao nghiên cứu khảo cổ học Vườn Chuối - có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức, có ý kiến về việc đưa nửa phía Đông di chỉ (bảo tồn 6.000m2) vào khu vực bảo vệ di chỉ khảo cổ, làm cơ sở để đưa di chỉ vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố.
Bên cạnh đó, Sở VHTT Hà Nội cũng sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Cục Di sản văn hóa về việc khai quật khảo cổ tại nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối và tiến hành khai quật di dời khu vực phân bổ di tích khảo cổ đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng.
Sở VHTT Hà Nội cũng đề nghị UBND thành phố có văn bản chỉ đạo Vietracimex bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối theo đúng pháp luật; chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức có phương án phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật tại khu vực di chỉ Vườn Chuối.