Năm 2019, hệ thống đê điều thành phố Hà Nội đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện: Cứng hóa mặt đê 10,232km, kinh phí 28,197 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp và xây mới kè bảo vệ bờ sông, mái đê 1,79km với kinh phí 67,592 tỷ đồng; làm đường hành lang chân đê 7,565km với kinh phí 32,97 tỷ đồng; khoan phụt vữa, xử lý ẩn họa thân đê 40,073 km với kinh phí 12,434 tỷ đồng; nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị quản lý (trang thiết bị, điếm canh đê, trụ sở Hạt, kho vật tư…) với kinh phí 34,269 tỷ đồng; thay thế cọc Km, Hm; nạo vét, sửa chữa giếng giảm áp; cải tạo, mở rộng cửa khẩu; chỉnh trang mái đê với kinh phí 6,286 tỷ; xây dựng và cải tạo 15 dốc lên đê với kinh phí 6,002 tỷ.
Các công trình, dự án được giao thực hiện trong năm đều hoàn thành kịp tiến độ, thực hiện trình tự xây dựng cơ bản; các nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công đã nỗ lực thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết và đúng thiết kế bản vẽ thi công công trình.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân Thành phố đang cho phép triển khai thực hiện 41 dự án xử lý cấp bách, trong đó: 28 dự án đang triển khai thi công, 13 dự án đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt phương án xử lý cấp bách. Khắc phục kịp thời hiệu quả thiệt hại do thiên tai, sớm khôi phục hoạt động bình thường cho nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp.
Để triển khai công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả, trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm nạn nhân TP Hà Nội đã đề xuất nhiều phương án như hoàn thiện những quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp; hướng dẫn xây dựng hoàn thiện mối quan hệ phối hợp, đề xuất cơ chế phối hợp, trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai giữa cơ quan quản lý phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các cơ quan quản lý phòng, chống thiên tai các cấp từ trung ương đến cấp xã và với các sở, ngành liên quan.
Bố trí ngân sách thường xuyên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai các cấp và nâng cao năng lực tham mưu cho Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Nạn nhân các cấp. Hướng dẫn chi tiết về cơ sở xác định hỗ trợ, trình tự thủ tục thực hiện, thanh quyết toán các khoản hỗ trợ từ quỹ phòng, chống thiên tai.
Hướng dẫn xây dựng và bảo đảm các vị trí việc làm trong các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ quản lý phòng, chống thiên tai từ trung ương đến địa phương. Hướng dẫn xây dựng đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng chuyên nghiệp bảo đảm hoạt động hiệu quả, và hoàn thiện các quy định pháp luật, bảo đảm nguồn nhân lực quản lý phòng chống thiên tai đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Được biết, cùng với những phương án trên, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn TP Hà Nội đang tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thiết bị hỗ trợ để kết nối trực tuyến với cơ quan Phòng chống Thiên tai Trung ương và đơn vị trên địa bàn.
Đôn đốc xử lý vi phạm, kịp thời ngăn chặn xe quá tải đi trên đê, thành lập Tổ Công tác kiểm tra, ngăn chặn xử lý xe quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến đê: Huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên; tuyến đê tả Đáy huyện Hoài Đức; tuyến đê tả Hồng, tả Đuống huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội và trồng rau trên mái đê, tình trạng trồng rau màu trên mái đê đã giảm thiểu đáng kể.
Tổ chức xác định các vị trí, khu vực đê xung yếu và lập phương án hộ đê, PCLB; tổ chức lực lượng xung kích, tuần tra canh gác đê; chuẩn bị vật tư dự trữ, phương tiện hộ đê, PCLB; đôn đốc các huyện và các ngành liên quan xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động nghề cá; có phương án sơ tán dân ở khu vực sát mép nước khi có bão xảy ra; đôn đốc các huyện miền núi rà soát, điều tra, thống kê lại các khu vực có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và xây dựng phương án phòng tránh, tổ chức cắm biển báo; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng tránh lụt bão cho nhân dân.
Trong công tác chỉ đạo điều hành các hoạt động của đơn vị trên các lĩnh vực công tác quản lý đê điều, công tác phòng, chống thiên tai và công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều và một số nhiệm vụ đột xuất khác luôn có sự thống nhất giữa các ban ngành và lãnh đạo Ban, đảm bảo đúng quy định, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, kế hoạch đề ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đơn vị luôn coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc ở cơ sở, với yêu cầu công tác chuẩn bị phải thực sự đầy đủ, sát, đúng với yêu cầu thực tế; tổ chức kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền về công tác PCLB ở các địa phương theo phương châm "4 tại chỗ" (vật tư, hậu cần, lực lượng và chỉ huy tại chỗ); phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo tăng cường phối hợp với các tổ chức, cơ quan có lực lượng nòng cốt ở cơ sở trong triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cấp cơ sở.
Để đảm bảo an toàn và kịp thời xử lý các sự cố về đê, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã yêu cầu các hạt, trạm tăng cường bám tuyến, thường xuyên kiểm tra, quan trắc theo dõi diễn biến dòng chảy của từng đoạn đê, kè, cống; đánh giá sát, đúng hiện trạng công trình đê, kè, cống; phát hiện kịp thời hư hỏng để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn cho công trình, đồng thời tổ chức quan trắc, theo dõi, cập nhật hồ sơ quản lý.
Thực hiện mọi biện pháp trong điều kiện của Thành phố trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương cao độ nên đã hạn chế được tối đa các thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và của nhân dân, không để xảy ra mất an toàn công trình đê điều, không để xảy ra dịch bệnh, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.