Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hà Nội: Phòng chống thiên tai nhưng không chủ quan trước dịch Covid-19

(Dân sinh) - Năm 2020, TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN sát với thực tế theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo sẵn sàng khi có tình huống thiên tai xảy ra.

UBND thành phố, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành việc rà soát, xây dựng và phê duyệt phương án PCTT trên địa bàn làm cơ sở chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Từ đầu mùa mưa lũ, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết. Tổ chức kiểm kê vật tư dự trữ tại các điểm, kho bãi trên các tuyến đê thuộc thành phố quản lý. Việc xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai được chú trọng. Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở với sự tham gia của 64.948 người. Lực lượng này được tập huấn, trang bị các kỹ năng về ứng cứu, hộ đê, cấp cứu người đuối nước; sơ cứu, cấp cứu người bị nạn…

Hà Nội: Phòng chống thiên tai nhưng không chủ quan trước dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tuyên truyền phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cho người dân tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai tiếp tục được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau. Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra, rà soát các hồ đập trên địa bàn thành phố; rà soát quy trình tích nước và vận hành; những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa nhằm đảm bảo an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ năm 2020;

Về đê điều, qua kiểm tra, đánh giá và quá trình theo dõi, quản lý cũng như thực tế xử lý sự cố trong mùa lũ trên các tuyến đê, năm 2020 thành phố Hà Nội xác định còn 4 trọng điểm và 12 vị trí xung yếu cần được bảo vệ. Năm 2020, 26 quận, huyện, thị xã có đê trên địa bàn TP. Hà Nội đã thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân với 157 người; 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã với tổng số 64.948 người. Lực lượng này đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu người bị đuối nước, hộ đê, cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống cháy rừng, sập đổ công trình...

Cùng với việc đầu tư hệ thống đê chống lũ, Hà Nội đang từng bước hoàn chỉnh hệ thống phòng, chống úng ngập, hạn hán, bảo vệ sản xuất nông nghiệp như các trạm bơm: Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Hạ Dục (huyện Chương Mỹ), Thụy Phú (huyện Phú Xuyên), Ngoại Độ (huyện Ứng Hòa)... Hiện các dự án đê điều, thủy lợi phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của thành phố trong năm 2020 đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào sử dụng.

Đặc biệt trong năm nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp càng đặt ra cho công tác phòng, chống lụt bão của thành phố Hà Nội những yêu cầu cao hơn. 

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, Chống Thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cho biết, nguy cơ cao nhất được xác định là có thể xảy ra ảnh hưởng kép khi gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai hoặc nơi sơ tán tập trung do ảnh hưởng của thiên tai… Đây là khó khăn, thách thức chưa từng xảy ra trong công tác phòng, chống thiên tai mà các địa phương cần nhận thức rõ để có giải pháp tương ứng, hiệu quả.

Để giảm tổn thất, rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát phương án phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời chuẩn bị trang thiết bị, máy đo thân nhiệt, phân loại đối tượng, sẵn sàng nhu yếu phẩm, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19; chủ động có phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung khi xảy ra dịch bệnh.