Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban chỉ đạo 799 TP Hải Phòng luôn quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, khuyến khích mọi hình thức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tăng cường sự phối hợp liên ngành, huy động được sự tham gia của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nên phát huy được sức mạnh của toàn xã hội tham gia công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, từ đó góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được triển khai sâu rộng trong quần chúng nhân dân với nhiều hình thức và nội dung phong phú, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống mua bán người. Cùng với đó, thành phố đã bố trí nguồn lực tài chính đảm bảo cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng; nâng cao năng lực; đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân từng bước chuẩn hóa. Cơ sở vật chất để thực hiện việc tiếp nhận lưu trú, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp các dịch vụ cần thiết được đảm bảo và ngày càng hoàn thiện. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ thành phố đến xã, phường, thị trấn và tình nguyện viên Đội công tác xã hội đều được tập huấn về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.
Tuy nhiên, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Đó là nhiều nạn nhân bị buôn bán tự trở về địa phương không có giấy tờ pháp lý, không ở lại địa phương mà đi nơi khác làm ăn, sinh sống. Một số nạn nhân khi trở về không có nhà cửa, hộ khẩu, đất canh tác, việc làm, tâm lý xấu hổ, mặc cảm với quá khứ. Do vậy, khi tự trở về, họ không khai báo, đề xuất kiến nghị với các cấp chính quyền địa phương để nhận được sự quan tâm, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn thiếu, chủ yếu làm kiêm nhiệm nên việc nắm bắt thông tin và cập nhật số liệu về nạn nhân bị mua bán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chưa kịp thời. Trợ cấp khó khăn ban đầu quy định của Nhà nước phải là hộ nghèo mới được hỗ trợ 1.000.000 đồng nên nhiều nạn nhân trở về không có nhu cầu đề nghị hỗ trợ.
Thời gian tới, để làm tốt công tác phòng, chống tội phạm nói chung, công tác phòng, chống mua bán người nói riêng, đặc biệt là việc hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về được học nghề, có việc làm ổn định, giúp họ tránh những mặc cảm và dễ hòa nhập cộng đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng đề xuất, kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung các chính sách, đó là cần có giải pháp cụ thể như mức hỗ trợ ban đầu phù hợp để tạo điều kiện cho nạn nhân bị buôn bán trở về có thể tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết các mô hình phòng, chống mua bán người, nhất là mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người đạt kết quả tốt và chỉ đạo hướng dẫn việc nhân rộng các mô hình trên. Bộ nghiên cứu ban hành Quyết định phê duyệt khung định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng mô hình hỗ trợ nạn nhân để các tỉnh, thành phố có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các tỉnh, thành phố về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, cụ thể: Hỗ trợ kinh phí, cung cấp tài liệu, tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng được tiếp cận các Dự án về xây dựng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ, vay vốn, tạo việc làm giúp nạn nhân ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng.