Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a”

(Dân sinh) - “Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện lên đến 32%, năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 17% và huyện Quỳnh Nhai được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn khoảng 16%. Có được thành quả giảm nghèo này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể thì ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân là yếu tố quan trọng, quyết định thành quả giảm nghèo của toàn huyện”, ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) phấn khởi cho biết.

Cây sa nhân giúp dân Phiêng Ban làm giàu

Trước đây, Mường Giàng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai dù so với các xã trong huyện, nơi đây có tiềm năng đất đai màu mỡ, tương đối bằng phẳng, nhiệt độ ôn hòa. Xã có diện tích 5.460 ha, đất sản xuất nông nghiệp chỉ có khoảng 500 ha, đất ruộng 74 ha, còn lại là rừng và đất lâm nghiệp… Đời sống của đồng bào các dân tộc ở đây chưa thoát khỏi đói nghèo, bởi phương thức canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp.

Ông Lò Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai (Sơn La)

Thế nhưng đến nay, Mường Giàng đã hoàn toàn "thay da đổi thịt". Phó Chủ tịch UBND xã Lò Văn Vùng cho biết, xã Mường Giàng có 2.797 hộ với 11.025 nhân khẩu, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, như: Thái, Mông, La ha, Kháng, Kinh… "Năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn xã có khoảng 15% hộ nghèo, nhưng đến nay, tổng số hộ nghèo của toàn xã là 93 hộ, chiếm 3,3%. Những hộ nghèo của xã đều là các hộ yếu thế: Ốm đau, neo đơn không nơi nương tựa, không có sức lao động... Người dân Mường Giàng rất chăm chỉ, chịu khó lao động. Đặc biệt, khi nhận được sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, huyện, người dân chủ động đầu tư sản xuất để phát triển kinh tế nên số hộ nghèo ngày càng ít, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng lên", ông Vùng cho biết.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND xã Lò Văn Vùng cho biết: Cây sa nhân giúp nhiều gia đình ở xã Mường Giàng làm giàu.

Toàn xã có 14 bản, xóm. Tùy vào điều kiện địa lý mà mỗi bản, mỗi xóm ở Mường Giàng phát triển các mô hình kinh tế khác nhau. Bản Phiêng Ban của người Mông nằm cao nhất trên đỉnh núi. Do điều kiện địa lý của bản toàn đồi núi cao nên người dân chủ yếu trồng ngô,  sắn. Đối với những mảnh đất nằm cách xa khu dân cư, đồng bào Mông trồng dược liệu, đặc biệt là cây sa nhân.

Mùa Thị Mỉ, sinh năm 1991, dân tộc Mông ở bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng phấn khởi cho biết, thu nhập mỗi năm của cả gia đình lên đến vài trăm triệu đồng. Mỉ hào hứng kể, mỗi năm gia đình gieo 20kg ngô giống, thu hoạch được 140 tạ ngô. Mấy năm gần đây, gia đình Mỉ trồng thêm 1ha cây sa nhân. "Ở những diện tích đất bằng phẳng gia đình trồng ngô để nuôi lợn, nuôi gà… phần còn lại bán. Một ít diện tích đất có giao thông đi lại thuận lợi dành để trồng cỏ nuôi bò. Còn phần diện tích đồi núi dốc, gia đình trồng sa nhân", Mỉ nói rồi tiếp tục kể, để tăng thêm thu nhập, những lúc nông nhàn, chồng Mỉ lại xuống Quảng Ninh làm thuê.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 3.

Một bản của xã Mường Giàng nhìn từ trên cao.

Cách nhà Mỉ không xa, trước đây, gia đình Thào A Vàng (sinh năm 1986) thuộc hộ nghèo. A Vàng bảo, trước đây nhà thuộc hộ nghèo vì 5 nhân khẩu nhưng chỉ có Vàng có thể làm việc. Bố mẹ già thường xuyên ốm đau, vợ của Vàng có bệnh nên sức khỏe yếu. Mọi gánh nặng dồn hết lên vai Vàng, nhà ở cũng tạm bợ… Khi vợ Vàng qua đời, gánh nặng lại càng đè lên vai anh. Năm 2016, bản bình xét, gia đình Vàng thuộc hộ nghèo. Vàng được dự án hỗ trợ bò sinh sản từ dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, 10kg ngô giống, phân bón, tiền điện hàng tháng… nên phần nào giúp gia đình giảm bớt khó khăn.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 4.

Nhờ chăm chỉ lao động, mỗi năm gia đình Mỉ thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Sau khi anh Vàng cưới vợ mới, nhà có 2 lao động chính nên kinh tế khấm khá dần lên. "Lúc mình khó khăn nhất nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, nay có sức khỏe không lý gì vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, gia đình tôi được thoát nghèo. Hiện tôi trồng 1ha ngô, 1 ha sa nhân, nuôi bò, lợn nái và 1 đàn lợn thịt, gà…", anh Vàng phấn khởi khoe.

Ông Thào A Dia, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Ban cho biết, toàn bản có 175 hộ và 100% là người dân tộc Mông. Năm 2016, cả bản có 14 hộ nghèo, thì nay chỉ còn 2 hộ nghèo. "Những hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về con giống (bê con), giống ngô, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt nên hầu hết đã thoát nghèo. 2 hộ nghèo còn lại do sức khỏe yếu lại đông nhân khẩu", ông Dia nói.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 5.

Nhận được sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nay gia đình Thào A Vàng đã thoát nghèo.

Do đặc điểm địa hình của bản Phiêng Ban nằm trên núi cao nên trước đây, người dân chỉ trồng ngô và một số ít diện tích dành để trồng lúa nương. Khoảng 7 năm trở lại đây, những diện tích ở vùng đồi dốc, xa nơi ở người dân chuyển sang trồng cây sa nhân cho hiệu quả kinh tế cao lại không mất nhiều công chăm sóc.

Ông Dia cho biết, từ năm 2012, một số hộ dân được xã cử đi tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế và đã mang cây sa nhân về trồng thử. Bởi khí hậu ở Phiêng Ban khá mát mẻ. Sau một năm, cây sa nhân phát triển tốt, đẻ nhánh nhanh, không bị dịch bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc. Năm 2014, có 2 ha sa nhân cho thu hoạch lứa đầu tiên đạt gần 1,5 tấn quả tươi/ha, với giá bán 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu được hơn 150 triệu đồng.

Cây sa nhân được trồng ở những vùng đồi núi dốc. Quả sa nhân được người dân thu hoạch về sấy khô để bán với giá cao hơn, bảo quản được lâu.

Ông Thào A Dia

So với trồng ngô, cây sa nhân mang lại hiệu quả gấp 3 - 4 lần. Nếu như trồng ngô giúp người dân đủ ăn, thoát nghèo thì trồng sa nhân giúp người dân từng bước làm giàu

Thấy người đi trước trồng hiệu quả, lại được cán bộ xã lên tận bản tuyên truyền, vận động, bà con trong bản thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây sa nhân. Để "chắc ăn", cán bộ khuyến nông về bản hướng dẫn kỹ thuật theo cách "cầm tay chỉ việc", từ việc làm đất, tự ươm cây giống để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm...

Cũng theo ông Dia, trong bản, hộ nào cũng chuyển đổi đất đồi dốc sang trồng sa nhân với tổng diện tích lên đến 54ha, năng suất bình quân đạt 6,5 tạ quả/ha,với giá bán khoảng 70 - 120 nghìn đồng/kg. Trồng sa nhân chỉ mất công trồng và chăm sóc ban đầu và sau 2 năm đã cho thu hoạch.


"Không để lãng phí 1 tấc đất nào…"

Bản Mường Giàng là nơi sinh sống của người dân tộc Thái nằm dưới chân núi nên địa hình khá bằng phẳng so với bản Phiêng Ban. Trước đây, người dân trong bản trồng lúa, trồng ngô, một số gia đình chăn thả 1 - 2 con bò nên đời sống cũng chỉ đủ ăn, hiệu quả kinh tế không cao. Khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, người dân trong bản họp bàn tìm cách thoát nghèo và làm giàu từ những lợi thế của đại phương. Cùng với những định hướng kỹ thuật của các bộ khuyến nông, người dân nơi đây xác định, bản có thể phát triển chăn nuôi gia súc tập trung để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, lại không tốn nhiều công chăm sóc.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 8.

Được chăm sóc tốt nên đàn bò gia đình ông Nhất khỏe mạnh, phát triển nhanh.

Cũng giống như nhiều gia đình khác trong bản, thay vì nuôi bò theo hình thức thả rông như trước, gia đình ông Đềm Văn Nhất nuôi 4 con bò theo hình thức nhốt chuồng. Để có nguồn thức ăn cho bò, ông Nhất trồng 2 sào cỏ voi. Ông Nhất cho biết:  "Cỏ voi dễ trồng, không tốn công chăm sóc, năng suất cao, lại có thời gian lưu gốc khoảng 6 năm. Nếu như trước đây nuôi 1 con bò mất công 1 người chăn thả thì nay nuôi 4 - 5 con bò chỉ mất 1 giờ đồng hồ đi lấy cỏ về thái nhỏ là xong. Vừa không mất nhiều thời gian, lại hiệu quả cao hơn".

Từ khi chăn nuôi nhốt chuồng, ông Nhất nuôi đàn bò nhiều hơn trước và hiệu quả cũng cao hơn. Được cán bộ xã tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi bò tập trung và thấy rõ những lợi ích của hình thức chăn nuôi này nên không chỉ ông Nhất mà tất cả các hộ dân trong bản đều đã thay đổi phương thức chăn nuôi hiệu quả hơn.

Ông Nhất chăm sóc đàn bò đúng kỹ thuật cán bộ khuyến nông hướng dẫn.

Trung bình, mỗi năm ông Nhất bán 3 - 4 con bê, mỗi con bê có giá khoảng 9 triệu đồng. Ông bảo, mỗi con bê nếu nuôi thêm 1 năm nữa sẽ thành bò, khi đó số tiền bán được lên đến 20 triệu đồng.

Đến Mường Giàng, điều ấn tượng nhất chính là không một tấc đất nào bị bỏ hoang. "Bờ xôi ruộng mật trồng lúa, ngô hay trồng rau. Còn đất xấu hơn hay những thửa ruộng nhỏ, chúng tôi tận dụng trồng cỏ nuôi bò. Ở bản Mường Giàng, người dân không để phí một tấc đất nào…", ông Nhất tự hào khi nói về bà con dân bản.

Rồi ông Nhất kể, hai người con lớn của ông sau khi học xong THPT đã đi làm công nhân tại Bắc Ninh. Hai vợ chồng ông ở nhà trồng 1 ha ngô. Mỗi năm, thu hoạch được hơn 30 bao thóc, không những đủ ăn mà còn có để chăn nuôi. Ngoài đàn bò 4 con, ông còn nuôi lợn, gà, ngan…  "Công việc luôn chân luôn tay nhưng bù lại có thu nhập ổn định nên rất phấn khởi", ông Nhất nói.

Chị Kiêm cất vỏ ngô làm dự trữ thức ăn vào mùa đông cho bò.

Bóc xong đống bắp ngô vừa thu hoạch, chị Lày Thị Kiêm ở bản Mường Giàng vội lấy bao tải cất hết những vỏ ngô khô. "Trước đây vỏ ngô đều vứt bỏ hoặc dùng đun nấu nhưng nay được cán bộ hướng dẫn phải cất để làm thức ăn dự trữ vào mùa đông cho bò", chị Kiêm nói.

Nhà chị Kiêm nuôi 6 con bò và bê. Chị kể, trước đây gia đình từng vay ngân hàng mua 1 con bò về nuôi với hy vọng sẽ nhân đàn. Tuy nhiên, do không có kiến thức chăn nuôi, nên chỉ chăn thả tự do và không biết dự trữ thức ăn vào mùa đông, không có chuồng trại, không tiêm phòng nên bò bị chết vì dịch bệnh.

"Bò chết, bao nhiêu hy vọng tiêu tan. Tôi phải trồng ngô, nuôi lợn để lấy tiền trả ngân hàng nên rất sợ… nuôi bò. Khi được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn nuôi bò tôi vẫn sợ bò lại chết như trước thì "cụt vốn". Thế nhưng, khi thấy các hộ dân quanh nhà chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng hiệu quả, tôi quyết định bán ngô và mấy con lợn thịt để mua con bò giống với giá 20 triệu đồng. Thật may, bò được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng tốt. Đến nay, từ 1 con bò giống tôi có đàn bò 6 con. Trước đó, tôi cũng đã bán 2 con bê được 20 triệu đồng", chị Kiêm phấn khởi kể.

Đàn bò là tài sản giá trị nên chị Kiêm chăm sóc rất cẩn thận.

Nhờ những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả mà Mường Giàng ngày càng phát triển. Tất cả các tuyến đường nội bản đều được đổ bê tông kiên cố đến tận sân của từng gia đình. Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con bàn nhau góp cát, sỏi, công lao động đổ bê tông. Cũng nhờ có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nên tất cả các hộ dân đã có nước sạch để sử dụng hằng ngày, có điện lưới quốc gia thắp sáng, được xem ti vi, qua đó, học hỏi thêm nhiều kiến thức pháp luật, kỹ thuật sản xuất; con em có lớp học khang trang.

Biến khó khăn thành lợi thế

Năm 2005, trong cuộc đại di dân để xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (tại thời điểm đó), huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện di chuyển 8.435 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, thuộc 9 xã, 99 bản, xóm, 36.000 nhân khẩu. Để hoàn thành được đại công trình phục vụ nhu cầu cung cấp điện cho cả nước, người dân Quỳnh Nhai chấp nhận nhường nơi ở, nơi sản xuất bao đời gắn bó để đến một nơi mới, bắt đầu cuộc sống mới.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 13.

Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Công cuộc di dân, tái định cư đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân. 

Bởi ngoài 8.435 hộ dân di chuyển ra khỏi vùng ngập, còn có trên 3.000 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng. Cùng với đó, 414 hộ không di chuyển theo quy hoạch, đã phá vỡ quy hoạch tái đinh cư của huyện, ảnh hưởng đến định mức đất sản xuất phân cho các hộ dân. "Không ít người dân không tránh khỏi chạnh lòng khi nơi ở trước đây của gia đình giờ là biển nước mênh mông. Chuyển về nơi ở mới, người dân gặp không ít khó khăn. Bởi, có nơi thiếu đất sản xuất, có nơi người dân chưa quen với việc chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng ngô, cây ăn quả trên nương", ông Thủy cho hay.

Sau khi phân tích điều kiện hiện có cũng như tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, năm 2010, huyện Quỳnh Nhai quyết định thí điểm nuôi 20 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Sau khi triển khai thí điểm đạt hiệu quả, mô hình nuôi cá lồng ngày càng được nhân rộng. Huyện ủy Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng cho các hộ dân. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 và Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh về hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Ông Thủy cho biết: "Sau khi được tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, những hộ đăng ký triển khai mô hình nuôi cá lồng bè được hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng để làm lồng. Đồng thời, người dân được vay vốn ưu đã từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua con giống, thức ăn chăn nuôi...".

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 14.

Ông Lương Văn Chảu ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng cho biết: Mỗi năm gia đình thu về khoảng 250 - 300 triệu đồng từ nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Hiện, gần 10.000 hộ dân trên địa bàn các xã vùng hồ gắn bó với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Toàn huyện đã có 46 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, với tổng số 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 2,3 nghìn tấn thủy sản/năm (chỉ tính thủy sản có chất lượng cao); 10 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp trên địa bàn được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu "Cá sông Đà" do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp phép.

Sau khi huyện triển khai nuôi thí điểm thành công, ông Lương Văn Chảu, dân tộc Thái ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng là một trong những hộ dân tiên phong nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La. "Thấy mô hình nuôi cá lồng bè hiệu quả và có nhiều triển vọng, năm 2013, tôi cùng một số hộ dân đăng ký tham gia. Mỗi gia đình được huyện hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng để làm lồng. Tổng chi phí làm 1 lồng hết 7 triệu đồng. Phần tiền còn thiếu, chúng tôi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội", ông Chảu nhớ lại.

Ông Chảu kéo lồng cá lăng hơn 1 năm tuổi.

Từ 17 lồng cá năm 2013, đến nay ông Chảu đã mở rộng thành 60 lồng với nhiều loại cá: Lăng, chép, trắm cỏ, rô phi…. Năm 2015, ông Chảu cùng một số hộ dân thành lập HTX thủy sản Bản Bung. Các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cá, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Đã có 38 thành viên HTX với tổng số lồng lên đến 520. Ông Chảu nói: "Trước đây gia đình trồng ngô mỗi năm được 1 vụ, diện tích đất không được nhiều nên cuộc sống nhiều khó khăn. Không ít thành viên trong HTX thủy sản Bản Bung từng là hộ nghèo, cận nghèo. Từ khi nuôi cá lồng bè, cuộc sống của các hộ thay đổi rõ rệt. Cá có bán quanh năm nên có thu nhập đều. Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 250 - 300 triệu đồng. Đây là số tiền mà trước đây trồng ngô không bao giờ dám mơ tới".

Với đặc trưng mặt nước có nhiều sinh vật phù du làm thức ăn cho cá nên không tốn nhiều chi phí mua thức ăn chăn nuôi. Diện tích đất trước đây trồng ngô nay được các hộ dân trồng cỏ để cho cá ăn.

Cùng với đó, huyện Quỳnh Nhai phát triển dịch vụ, du lịch từ diện tích lòng hồ đang có. Để biến từ khó khăn thành tiềm năng, lợi thế của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 47-NQ/HU về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2014 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, thực hiện đề án bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Thái tại xã Mường Chiên, gắn với du lịch cộng đồng; phát triển các khu du lịch: Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; trung tâm xã Mường Giàng; khu du lịch tâm linh đền Linh Sơn - Thủy Từ... với mục tiêu Quỳnh Nhai là điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch miền núi Tây Bắc. Qua đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 17.

Ông Chảu làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện.

Ngoài khai thác hiệu quả diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, du lịch - dịch vụ, huyện Quỳnh Nhai sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trọng tâm là trồng cây ăn quả và cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với bảo vệ rừng, các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng bản, từng xã.

"Xây dựng mô hình điểm, cầm tay chỉ việc cho người dân"

Từ một huyện nghèo, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tự nhiên không có nhiều thuận lợi, lại trải qua giai đoạn khó khăn di dân tái định cư để triển khai thủy điện Sơn La, nhưng Quỳnh Nhai đã biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2018, Quỳnh Nhai cùng 7 huyện nghèo khác trong cả nước được Chính phủ đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo.

Ông Lò Thanh Thủy cho biết, để có được kết quả như ngày hôm nay, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập của người dân phù hợp với điều kiện, đặc thù, khả năng huy động nguồn lực của chính người dân. Trong đó, chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 18.

Những lồng cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Huyện đã thực hiện cấp 846.600 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn. Toàn huyện có 23.983 lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất với tổng kinh phí 539 tỷ đồng. Hỗ trợ 73 căn nhà cho hộ nghèo.

Cùng với đó, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có người nghèo, người khuyết tật được chú trọng. Đến nay, tổng số lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện là 9.138 người, trong đó đào tạo nghề là 3.800 người (chiếm 17%). Lao động được đào tạo phần lớn đã biết vận dụng kỹ năng được đào tạo vào phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, từng bước ổn định thu nhập.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 19.

Nhiều gia đình ở xã Mường Chiên làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng bè.

Hiện, toàn huyện có trên 4.000 lao động làm việc tại các nhà máy trong, ngoài tỉnh. Ông Thủy cho biết, huyện đã tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm nâng cao kiến thức tay nghề, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động. Đây là một trong những giải pháp tích cực có tác động rất lớn đối với công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn gieo trồng cây trên nương và một số biện pháp phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm... được 13 lớp với 495 lượt người tham gia. "Trên cơ sở người dân đăng ký nhu cầu học nghề, huyện sẽ tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp. Với phương pháp dạy cầm tay chỉ việc để người dân dễ áp dụng", ông Thủy nói.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, Chương trình 135 và dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La đến nay về cơ sở hạ tầng toàn huyện đã được đầu tư khá đồng bộ: 100% xã có đường giao thông đi lại thuận tiện; trên 95% hộ đã được đầu tư hệ thống điện, nước sinh hoạt; 100% xã có nhà văn hóa, trạm y tế, trường học khang trang …

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đặc biệt là phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản trên sông Đà với quy mô trên 5.000 lồng nuôi, sản lượng trên 30.000 tấn/năm. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với bảo vệ rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Thủy thông tin, hiện địa phương đang kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư mở rộng nhà máy, vùng nguyên liệu tại Quỳnh Nhai. Ngay trong những ngày cuối tháng 8, huyện đã kết nối với Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đến khảo sát thực địa để trồng dứa. Theo khảo sát của Cty, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại đây rất phù hợp với cây dứa và cho chất lượng cao. Nếu được Cty Đồng Giao bao tiêu sản phẩm, huyện sẽ vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi 300ha đất sườn đồi hiện trồng sắn hiệu quả thấp sang trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hành trình thoát nghèo của “huyện 30a” - Ảnh 21.

Một góc huyện Quỳnh Nhai.

Ông Lò Thanh Thủy

Để triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 30a, huyện đã nghiên cứu kỹ các điều kiện của từng bản, từng xã để xây dựng các mô hình điểm. Từ hiệu quả của các mô hình "người thật, việc thật", cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật, nguồn hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, nguồn vốn vay ưu đãi… người dân đã mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế mới hiệu quả: trồng dược liệu, nuôi cá lồng bè…

Với xuất phát điểm thấp, lại có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, huyện Quỳnh Nhai được xếp vào nhóm huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tuy chỉ có 11 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng Quỳnh Nhai lại có 147 bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a, bộ mặt nông thôn trong huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo tại địa phương theo hướng bền vững. Từ một huyện nghèo, Quỳnh Nhai phấn đấu đến năm 2025 là huyện đầu tiên trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể khẳng định, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực của người dân chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của công tác giảm nghèo. Người dân quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, làm việc gì phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính quyền đóng vai trò định hướng, xây dựng các mô hình điểm để rút kinh nghiệm, song hành để hỗ trợ kỹ thuật và vốn cho người dân. Đây cũng là mục tiêu chính của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2020 đề ra.

Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã có những chính sách đặc thù tập trung hỗ trợ phù hợp đối với những huyện, xã "lõi nghèo" của cả nước để đưa các địa phương thoát nghèo. Giai đoạn 2018 -2020 đã có 8 huyện thoát nghèo gồm: Huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; Huyện Tân Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; Huyện Quỳnh Nhai, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; Huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ 56 huyện nghèo đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ. Đồng thời, bổ sung 29 huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020, được hỗ trợ theo Quyết định số 615/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.