Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp đang vận hành tốt, được xã hội ghi nhận

(Dân sinh) - "Không chỉ được xã hội công nhận, các phụ huynh và học sinh tin tưởng học nghề, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn được doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đánh giá cao về chất lượng khi sử dụng lao động tốt nghiệp các trường cao đẳng". Đây là đánh giá của ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Trung tâm thông tin lao động TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo phát triển nhân lực.


Hệ thống GDNN đang vận hành tốt, xã hội ghi nhận - Ảnh 1.

Thực hành nghề lắp đặt Rô bốt

Từng nhiều năm theo dõi thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, thực tiễn là thước đo quan trọng nhất đối với mọi quyết định, chính sách. Những đổi mới của GDNN đã tác động, làm thay đổi rất lớn nhận thức xã hội về học nghề. Bằng chứng là tuyển sinh GDNN những năm gần đây đều đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra từ 100,2 đến 100,9%. Tỷ lệ học sinh sinh viên (HSSV) các cơ sở GDNN ra trường có việc làm đạt 80 - trên 90%. Một số nghề như công nghệ ô tô, điện, hàn, cơ điện tử… sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo ông Tuấn là do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đã xây dựng được các mô hình GDNN gắn với doanh nghiệp, đào tạo gắn với tuyển dụng; đào tạo gắn với hợp tác quốc tế, gắn với các tiêu chuẩn kỹ năng nghề một số nước phát triển trong khu vực và thế giới đã đem lại hiệu quả là chất lượng GDNN được nâng lên rõ rệt. Tuyển sinh GDNN những năm gần đây tăng vọt, một số trường cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh phải xét tuyển đầu vào. Rất nhiều sinh viên đại học rẽ ngang sang học nghề.

Ngày càng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tin tưởng, liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN để chủ động nguồn nhân lực có kỹ năng cho các chiến lược phát triển của mình, như: VinFast hợp tác với 5 trường cao đẳng đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao; Thaco Trường Hải mạnh tay đầu tư cho các trường nghề trong hệ thống của tập đoàn để có nguồn nhân lực chất lượng cho chiến lược mở rộng thị trường; nhiều doanh, tập đoàn đang chuyển hướng chú trọng chiến lược đào tạo và sử dụng lao động có kỹ năng hơn là tuyển dụng lao động có bằng cấp cao.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất xây dựng được nhiều chính sách ưu đãi GDNN đối với học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề; chính sách hỗ trợ học nghề đối với thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, lao động hộ nghèo, lao động diện chuyển đổi đất sản xuất; HSSV người dân tộc miền núi; bộ đội xuất ngũ; lao động mất việc làm. Các chính sách đang vận hành rất tốt. "Luật GDNN mới vận hành vào cuộc sống, còn nhiều điều phải làm nhưng về cơ bản hệ thống GDNN đang vận hành tốt, được xã hội ghi nhận, doanh nghiệp mong chờ. Vậy đặt vấn đề chuyển đổi để làm gì? Mỗi lần xới xáo thế này, chưa biết Bộ nào làm tốt hơn nhưng cái mất lớn nhất trước mắt chính là càng làm cho hệ đào tạo vốn đã bị "xem nhẹ" này bị giảm thêm niềm tin trong xã hội", ông Tuấn nhấn mạnh.


Hệ thống GDNN đang vận hành tốt, xã hội ghi nhận - Ảnh 2.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội:

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội: GDNN có nhiều bước tiến và đạt những thành tựu đáng tự hào

Trong lịch sử dạy nghề (nay là GDNN), việc quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng đều đã lần lượt được giao cho Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH. Đến thời kỳ Bộ LĐ-TB&XH quản lý, GDNN mới có nhiều bước tiến và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Thành tích của Việt Nam tại các Kỳ thi tay nghề ASEAN, Thi tay nghề Thế giới cho thấy, chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ. Kỹ năng nghề Việt Nam đã có thể sánh ngang với các nước trong khu vực ASEAN và ngày càng tiệm cận thế giới. Doanh nghiệp ngày càng ưa chuộng, đón nhận nhân lực từ các cơ sở GDNN, đặc biệt là từ các trường chất lượng cao. Họ cũng rất chú trọng hợp tác với các cơ sở GDNN trong đào tạo nghề…

Tôi cho rằng, những quan điểm xung quanh câu chuyện Bộ nào quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng suy cho cùng đều với mong muốn hoàn thiện hệ thống giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, đề xuất phải trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành cũng như đánh giá hiệu quả từ thực tiễn.

Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã quy định Khung trình độ quốc gia bao gồm 8 bậc. Trong đó, Bậc 1: Chứng chỉ 1, Bậc 2: Chứng chỉ 2, Bậc 3: Chứng chỉ 3 (sơ cấp), Bậc 4: Trung cấp, Bậc 5: Cao đẳng, Bậc 6: Đại học, Bậc 7: Thạc sĩ, Bậc 8: Tiến sĩ.

Quyết định cũng nêu rõ: Bộ LĐ-TB&XH chủ trì quản lý, thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc GDNN. Bộ GD&ĐT chủ trì quản lý, thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học.

Mỗi Bộ được phân công quản lý nhà nước về các lĩnh vực khác nhau dưới sự quản lý, chỉ đạo điều hành thống nhất chung của Chính phủ. Các Bộ cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ. Đặt vấn đề chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD&ĐT theo tôi là không phù hợp và cũng không cần thiết, tốt nhất nên giữ ổn định.


Hệ thống GDNN đang vận hành tốt, xã hội ghi nhận - Ảnh 3.

NGƯT, TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh

NGƯT, TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh: Ổn định hệ thống GDNN để không ảnh hưởng đến người học, người dạy

Vai trò, vị trí của GDNN không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học mà còn là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới… Trong bối cảnh GDNN đang hoạt động tốt, tôi cho rằng, cần giữ ổn định hệ thống để không ảnh hưởng đến người học, người dạy và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.