Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Hỗ trợ hộ chăn nuôi, tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng

(Dân sinh) - Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh tả lợn châu Phi tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn… Việc này một lần nữa có thể khiến các hộ dân chăn nuôi “đứng ngồi không yên”.

Thêm 4.000 con lợn bị tiêu hủy

Báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn. Do đó, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn… gây thiệt hại cho doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát: Đừng để dân thêm lao đao! - Ảnh 1.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát, nguy cơ thịt nhiễm bệnh tràn vào các chợ.

Tại TP.HCM, trao đổi với phóng viên báo Dân sinh, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM  cho biết, TP hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con. Trong đó, có 247 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ cao đối với dịch tả lợn châu Phi. TP.HCM có 11 cơ sở giết mổ  với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm 6.500-7.000 con/ngày. Qua kiểm tra địa bàn TP.HCM ghi nhận đến nay chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Cũng theo ông Huỳnh Tấn Phát, chỉ tính năm 2019, TP đã tiêu hủy 68.000 con lợn, dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi.

Điển hình như dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trại chăn nuôi của ông N.Q.T (ở ấp Kỉnh Nhượng, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) gây thiệt hại lớn. Cụ thể, ngày 19/5/2019, xuất hiện nhiều con lợn trong trại bị chết. Qua lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có 950 con lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Lực lượng chức năng đã tiến hành chôn hủy số lợn nhiễm bệnh, tiêu độc khử trùng và thực hiện các biện pháp nhằm khống chế không để bệnh lây lan…

Dịch tả lợn châu Phi tái phát: Đừng để dân thêm lao đao! - Ảnh 2.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát, 4.000 con lợn bị tiêu hủy.

Hỗ trợ hộ chăn nuôi, tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn tiến phức tạp, gây thiệt hại nặng nè đến các chăn nuôi, ngày 27/6/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo chính sách, Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức cụ thể sau: Đối với lợn con, lợn thịt các loại, Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi….

Dịch tả lợn châu Phi tái phát: Đừng để dân thêm lao đao! - Ảnh 3.

Ngoài ra, Quyết định này nêu rõ, các địa phương huy động thêm tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương (gồm 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện).

Ngoài ra, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn, ngày 26/5/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ra công văn số 3473/BNN-TY về việc tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu phi lây lan diện rộng.

Theo Công văn này, một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan do: Sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nên một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi tái đàn, lợn con chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch chủ yếu tái phát, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện và không áp dụng triệt để các biện phát an toàn sinh học.

An toàn sinh học và chế phẩm vi sinh là vũ khí “kép”, cũng là duy nhất hiện nay có hiệu quả đối với công tác phòng, chống dịch tả lợn. Trong việc áp dụng song hành hai giải pháp trên, cần lưu ý có giải pháp phù hợp, chi tiết cho cả chăn nuôi nhỏ và chăn nuôi lớn.

Ngoài ra, khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm, bán chạy, giết mổ lợn để tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường chung quanh làm lây lan dịch bệnh; Không báo cáo cho chính quyền cơ sở hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời,…

Trước những tồn tại đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, tránh chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Dịch tả lợn châu Phi tái phát: Đừng để dân thêm lao đao! - Ảnh 5.

Tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng.

Sở NN&PTNT thành lập ngay các đoàn công tác do lãnh đạo sở, lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm trưởng đoàn; đồng thời cử các tổ cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp các địa phương có ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (chưa qua 30 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/bản/ấp đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan,…