Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật trẻ em năm 2016, lần đầu tiên quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em; các cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, trong đó quy định cụ thể quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý, xác minh thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại; can thiệp trong trường hợp trẻ em bị xâm hại cần được bảo vệ khẩn cấp; can thiệp, tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha mẹ, người chăm sóc khi cha mẹ, người chăm sóc chính là người xâm hại trẻ em.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó chỉ đạo và đề nghị cụ thể đối với các Bộ, ngành (Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao), cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm, tăng cường giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại cho trẻ em.
Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp phòng, chống xâm hại trẻ em nêu trên đã thể chế hóa kịp thời và đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực bảo vệ trẻ em, thúc đẩy thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em, đặc biệt là nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em.
Nội dung các văn bản xây dựng chặt chẽ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp,tính thống nhất và đồng bộ. Các chính sách trước khi ban hành đều được đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, giới,thủ tục hành chính và đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật, do đó, các quy định được ban hành phù hợp với thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm hại trẻ em trong tình hình mới.
Thông qua công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản nêu trên cùng với việc thu thập báo cáo tình hình thực hiện hằng năm từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy quy định tại các văn bản nêu trên là minh bạch, khả thi, hiệu quả, nội dung không trái với Hiến pháp và pháp luật có liên quan, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, một số quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Đó là, pháp luật chưa quy định các dấu hiệu cụ thể để định tội đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và các hành vi xâm hại tình dục khác. Các quy định pháp lý về quy trình tố tụng thân thiện đối với các vụ án xâm hại trẻ em, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp và các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em bắt đầu từ điều tra, giám định pháp y cho đến truy tố, xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em được giao cho nhiều bộ, ngành nhưng công tác phối hợp, chia sẻ thông tin trong quá trình này chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Một số nhiệm vụ cụ thể được giao tại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan nhưng xây dựng văn bản hướng dẫn chậm hoặc triển khai chậm (quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP về các chính sách chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác) nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em ở Việt Nam.
Chính sách về bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng là chính sách có tác động phạm vi rộng đến tất cả đối tượng, cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần phải nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đến nhiều đối tượng trên quy mô rộng, phải xin ý kiến nhiều cơ quan. Tuy nhiên, định mức kinh phí để xây dựng các văn bản còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Có thể nói, các văn bản, quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em đã góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Nhiều quy định mới đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tiếp nhận thông tin, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại.