Thống nhất nhiều nội dung quan trọng
Theo đó, các hội nghị đã thảo luận và đưa nhiều giải pháp tổng thể, với mục tiêu giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và đủ vững mạnh làm điểm tựa cho các nước ASEAN sở hữu vị thế cạnh tranh thuận lợi so với các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM 52) và các hội nghị liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của kênh kinh tế trong ASEAN, kéo dài từ ngày 22 – 29/8/2020.
Đây là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổng soát lại tình hình hoạt động hội nhập kinh tế khu vực từ đầu năm đến nay, cũng như thảo luận để thống nhất định hướng hoạt động trong nội khối và với các đối tác đối thoại.
Đánh giá về kết quả hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, về nội khối, Việt Nam đã phối hợp cùng Ban thư ký ASEAN và các thành viên khác của ASEAN chuẩn bị rất kỹ lưỡng để xây dựng 13 sáng kiến trọng tâm trong năm 2020, trên cơ sở kế thừa cũng như nền tảng trong hợp tác của ASEAN từ những năm trước đây.
Đồng thời có tính đến thực tiễn trong quá trình phát triển và hội nhập chung của ASEAN với khu vực, và những yêu cầu đã đặt ra cho ASEAN với vai trò là trung tâm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trong số 13 sáng kiến, có 2 sáng kiến đã được hoàn tất và chính thức thông qua. Đó là chỉ số hội nhập số của ASEAN và khung khổ tham chiếu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo của ASEAN.
"Đây là 2 sáng kiến rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và những yêu cầu của thực tiễn đang đòi hỏi, là phải tập trung trong hội nhập của khu vực, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số cho các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu", ông Trần Tuấn Anh nói.
Với 11 sáng kiến còn lại sẽ tiếp tục được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến cũng sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay.
Xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch
Ông Trần Tuấn Anh cũng thông tin, các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ Danh mục hàng hóa ASEAN (AHTN) bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam;
Đồng thời, hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020.
"Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối", người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.
Vẫn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tại hội nghị này, các bộ trưởng cũng đã thảo luận về định hướng xây dựng kế hoạch tổng thể để phục hồi kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau đại dịch.
Đây chính là thời điểm rất quan trọng mà các nước đã tổng kết từ thực tiễn trong thực thi các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đánh giá những tác động, yêu cầu và đặc biệt là những khuyến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân để có được cái nhìn tổng thể và đưa ra kế hoạch tổng thể nhằm phục hồi sau đại dịch.
Ưu tiên cho việc ký kết hiệp định RCEP vào cuối năm 2020
Đối với hợp tác ngoại khối với các đối tác, trả lời câu hỏi liên quan đến Hiệp định RCEP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đây là nội dung được thảo luận và trao đổi rất kỹ tại hội nghị AEM-52, nhằm tìm ra hướng giải quyết những vấn đề còn tồn động trong kết thúc đàm phán và chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định trong năm nay.
Ông cho biết phần lớn các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến đàm phán RCEP đều đạt đựợc kết quả khả quan.
"Các Bộ trưởng rất hài lòng và đánh giá kết quả đạt được theo đúng tiến độ yêu cầu, đồng thời cho những chỉ đạo cụ thể để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng còn lại, kể cả trong vấn đề rà soát pháp lý, quy trình thực hiện nội bộ, cũng như thúc đẩy đạt mục tiêu hoàn tất các công việc chuẩn bị để ký kết vào cuối năm nay 2020", ông Trần Tuấn Anh thông tin.
Đồng thời có những trao đổi sơ bộ để rà soát tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, New Zealand, Canada và đối tác tiềm năng như Vương Quốc Anh.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với đại dịch.
Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng, hạn chế việc áp dụng các biện pháp không cần thiết gây cản trở đến thương mại và tự do luân chuyển hàng hóa.
Tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tại Hội nghị trong các chương trình đối thoại và làm việc với các đối tác, bộ trưởng các nước ASEAN đều đạt được sự đồng thuận cao với bộ trưởng kinh tế các nước đối thoại.
Từ đây sẽ sớm có được những định hướng hướng lớn cho giai đoạn sắp tới, trên cơ sở khắc phục tồn tại và khai thác tốt những năng lực cũng như cơ hội trong hợp tác song phương giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.
Liên quan đến việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh của ASEAN và ASEAN với các nước đối tác theo kế hoạch là cuối năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết công việc chuẩn bị đang được các kênh ngoại giao và kinh tế chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực.