Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 1/6 lao động trẻ đã phải ngừng việc, còn với những người có thể tiếp tục công việc thì đã bị cắt giảm 23% số giờ làm việc.
Theo "Báo cáo nhanh số 4 của ILO: Covid-19 và thế giới việc làm", thanh niên là đối tượng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng nhanh đáng kể từ tháng 2 đã và đang tác động đến nữ nhiều hơn nam giới.
Đại dịch này tạo nên cú sốc đối với thanh niên ở 3 phương diện. Đại dịch không chỉ hủy hoại việc làm của họ mà còn làm gián đoạn việc học hành và đào tạo, cũng như dựng nên nhiều trở ngại lớn đối với những người muốn tham gia thị trường lao động hay muốn thay đổi công việc.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2019 ở mức 13,6% đã là cao hơn bất kỳ nhóm dân số nào. Khoảng 267 triệu thanh niên, tức 1/5 dân số thế giới, ở tình trạng không có việc làm mà cũng không tham gia học hành hoặc đào tạo (NEET). Những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 nếu có việc làm thì cũng là những hình thức công việc dễ bị tổn thương như: Công việc được trả lương thấp, việc làm trong khu vực phi chính thức hay lao động di cư.
Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder cho biết: "Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh niên, đặc biệt là nữ giới, với tác động nặng nề hơn và nhanh chóng hơn so với các nhóm dân số khác. Nếu chúng ta không kịp thời hành động để cải thiện tình hình, hệ quả mà virus gây ra có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ. Nếu tài năng, năng lực của họ bị gạt ra ngoài lề do thiếu cơ hội và kỹ năng, điều đó sẽ hủy hoại tương lai của tất cả chúng ta và đặt ra những khó khăn cho công cuộc tái thiết một nền kinh tế tốt hơn giai đoạn hậu Covid-19".
Báo cáo kêu gọi những phản ứng chính sách cấp bách, quy mô lớn và có mục tiêu để hỗ trợ thanh niên, trong đó bao gồm các chương trình đảm bảo việc làm/đào tạo trên diện rộng ở các nước phát triển và các chương trình chú trọng tạo nhiều việc làm, đảm bảo việc làm ở những nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình.
Công tác xét nghiệm và truy vết phát huy hiệu quả
Báo cáo nhanh số 4 cũng xét đến những biện pháp nhằm tạo môi trường an toàn để quay lại làm việc. Báo cáo cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc công tác xét nghiệm và truy vết những người bị lây nhiễm Covid-19 "có tương quan chặt chẽ với tỷ lệ gián đoạn thị trường lao động thấp hơn… [và] mức gián đoạn xã hội nhỏ hơn đáng kể so với các biện pháp cách ly phong tỏa".
Ở những nước thực hiện tốt việc xét nghiệm và truy vết, mức giảm số giờ làm việc trung bình chỉ bằng 50% so với các nước khác. Có 3 lý do lý giải điều này: Xét nghiệm và truy vết giúp giảm sự cần thiết phải cách ly nghiêm ngặt, tăng cường mức độ tín nhiệm của người dân; từ đó khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ việc làm và giúp giảm thiểu gián đoạn hoạt động tại nơi làm việc.
Thêm vào đó, bản thân việc xét nghiệm và truy vết cũng tạo việc làm mới, có thể hướng đến thanh niên và các nhóm ưu tiên khác, mặc dù chỉ là công việc mang tính tạm thời.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý bảo mật thông tin cá nhân. Chi phí cũng là một vấn đề nhưng "quan trọng hơn" là phải xét đến chỉ số lợi ích tính trên chi phí mà việc xét nghiệm và truy vết mang lại.
Ông Ryder cho biết thêm: "Một công cuộc phục hồi chú trọng tạo nhiều việc làm cũng thúc đẩy bình đẳng và bền vững, đồng nghĩa với việc người lao động và doanh nghiệp có thể quay lại làm việc trong điều kiện sớm nhất có thể, trong điều kiện an toàn. Xét nghiệm và truy vết có thể đóng vai trò là một cấu phần quan trọng trong gói chính sách nếu chúng ta muốn đánh bại những nỗi lo sợ, giảm rủi ro và nhanh chóng vực dậy nền kinh tế và xã hội".
Giảm số giờ làm việc
Báo cáo cũng cập nhật số liệu ước tính về mức giảm thời giờ làm việc trong quý I và quý II/2020 so với quý IV/2019. Ước tính 4,8% thời giờ làm việc đã bị cắt giảm trong quý I/2020 (tương đương khoảng 135 triệu việc làm toàn thời gian, giả định tuần làm việc 48 giờ). Con số này thể hiện mức điều chỉnh tăng nhẹ - khoảng 7 triệu việc làm - kể từ Báo cáo nhanh số 3. Dự báo mức tổn thất việc làm trong quý II không thay đổi và duy trì ở mức 305 triệu việc làm.
Xét theo khu vực, châu Mỹ (13,1%), châu Âu và Trung Á (12,9%) là những khu vực có tỷ lệ giảm số giờ làm việc cao nhất trong quý II.
Báo cáo một lần nữa kêu gọi các biện pháp cấp bách và tức thì nhằm hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp dựa trên chiến lược 4 trụ cột của ILO: Kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; dựa vào đối thoại xã hội để tìm ra giải pháp.