Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Kết luận chính thức về những sai phạm tại 9 dự án bất động sản của Tập đoàn Lã Vọng

Kết luận thanh tra toàn diện 9 dự án do Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên đầu tư tại Hà Nội vừa được thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, doanh nghiệp này được “ưu ái” khi giao đất. Từ một doanh nghiệp ít tên tuổi, Công ty Lã Vọng được TP ưu ái chỉ định nhiều dự án đầu tư, qua đó sở hữu hàng loạt ô đất vàng giữa Thủ đô.

Theo Vnexpress.net, đa số ở các dự án này đều theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) do Công ty Lã Vọng hoặc các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết được chỉ định không qua đấu giá, sau đó doanh nghiệp dần sở hữu các khu đất ở đô thị lớn tại Hà Nội.

Cụ thể, Lã Vọng được Hà Nội chỉ định thực hiện dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình dài 1,85 km theo hình thức hợp đồng BT. Dự án do Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới (đơn vị thuộc Tập đoàn Lã Vọng) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 610,8 tỷ đồng.

Kết luận chính thức về những sai phạm tại  9 dự án bất động sản của Tập đoàn Lã Vọng - Ảnh 1.

Dự án khu đô thị mới tại Quốc Oai.

Để thanh toán dự án BT, Công ty Ngôi nhà mới được giao 14,5 ha đất thực hiện dự án Khu đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Theo quy hoạch, dự án có 571 căn nhà liền kề và hơn một nửa đã hoàn thiện hoặc đang thi công phần thô, doanh thu bán hàng hơn 2.549 tỷ đồng.

Sau khi đối trừ tiền sử dụng đất vào giá trị hợp đồng BT, công ty này đã nộp số tiền chênh lệch vào ngân sách. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc Hà Nội đã thanh toán quỹ đất cho Công ty Ngôi nhà mới khi chưa hoàn thành công trình BT xây dựng 1,85 km cống nối 3 hồ này là chưa đủ cơ sở.

Bên cạnh đó, quỹ đất bố trí đối ứng cũng tăng gần một ha so với diện tích đất cam kết trong hợp đồng BT.

Với 5 khu đất vàng DX1, DX2, DX3, DX4, CX2 diện tích khoảng 10.000 m2 tại khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, quá trình Hà Nội giao đất cũng không thông qua đấu giá, làm tăng mật độ xây dựng.

Khi giao 5 ô đất cho Công ty Lã Vọng, Hà Nội căn cứ vào đơn giá đất sản xuất nông nghiệp để cho thuê với mức giá khoảng 187.000 đồng mỗi m2 làm mặt bằng kinh doanh thương mại, kinh doanh nhà hàng, ẩm thực và bãi đỗ xe. Việc này theo Thanh tra Chính phủ đã "gây thất thu tiền sử dụng đất".

Sau khi thuê đất, Công ty Lã Vọng tự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng công trình sai phép trên đất nhưng các cơ quan chức năng của Hà Nội không xử lý dứt điểm sai phạm.

Liên quan đến dự án Khu đô thị Quốc Oai, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện Hà Nội giao 27,5 ha đất để doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cao cấp không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã được cho phép chuyển 2 ha diện tích đất xây trường mầm non, tiểu học, trạm y tế sang xây nhà ở thấp tầng, chuyển 2,6 ha đất xây dựng chung cư, văn phòng sang đất xây nhà ở thấp tầng, thương mại, dịch vụ, trường mầm non, trạm y tế, khiến diện tích đất ở tăng lên.

Tại dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai, Công ty Ngôi Nhà mới hợp tác liên danh với 2 đơn vị để lập Công ty Louis Group nhằm thực hiện dự án này, cũng theo hình thức BT. Công ty Louis được chỉ định thực hiện dự án BT có chiều dài 20,9 km, tổng vốn đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng. Vốn đối ứng thanh toán cho dự án là 39 ô đất, diện tích khoảng 343 ha.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc chỉ định Công ty Louis thực hiện dự án là vi phạm quy định về đấu thầu. Cơ quan tham mưu cho UBND TP Hà Nội là Sở Kế hoạch & Đầu tư cũng căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của Công ty Louis để trình thành phố quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, rộng 23,8 ha tại quận Hoàng Mai do công ty thành viên của Lã Vọng góp vốn cùng đối tác cũng không qua đấu thầu. Cơ quan thanh tra kết luận điều này sai quy định pháp luật.

Thông tin từ VTC cho biết, theo Thanh tra Chính phủ, trong tổng số 9 dự án đã thanh tra theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, có 5 dự án do của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng làm chủ đầu tư, 3 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và đơn vị thành viên tham gia hợp tác và 1 dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng thuê mặt bằng kinh doanh là dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa, đã chấm dứt việc hợp tác kinh doanh năm 2016.

Bên cạnh việc nêu rõ sai phạm của cơ quan ban hành các quyết định hoặc đơn vị tham mưu cho UBND TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng nêu kiến nghị kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Việc thanh tra này được triển khai từ giữa năm 2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng, sau khi có thông tin doanh nghiệp này được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" làm dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.

Tập đoàn Lã Vọng do ông Lê Văn Vọng làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc được thành lập năm 2003, với số vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng.