Nội dung bình đẳng giới đã được lồng ghép trong rất nhiều chính sách được ban hành
Tại cuộc họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội nghe Bộ LĐ-TB&XH báo cáo việc thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, trong 10 năm qua, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới.
Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội. Nhiều chính sách được ban hành mang tính đột phá như Luật Bảo hiểm xã hội (2014) quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con; tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ theo lộ trình như quy định của Bộ luật Lao động (2019). Nội dung bình đẳng giới đã được lồng ghép trong rất nhiều chiến lược, chương trình, chính sách được ban hành trong 10 năm qua như Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020; Chiến lược Dân số đến năm 2030…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có những việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới trong thập kỷ qua, bất chấp những biến động kinh tế - chính trị của khu vực và thế giới. Về giáo dục, tỉ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối. Về chăm sóc sức khoẻ, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: một số chỉ tiêu đặt ra quá cao, không có tính khả thi nên mặc dù các cấp, các ngành đã rất nỗ lực nhưng không thể đạt được. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thực chất, chưa thật sự sát sao, chưa quan tâm đúng mức cho công tác bình đẳng giới tại cơ quan, đơn vị, địa phương; một số văn bản hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời; một số giải pháp đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện; bên cạnh đó chưa có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chưa nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao…
Cần đảm bảo tính chặt chẽ trong sự phối hợp thực hiện bình đẳng giới giữa các cơ quan, Bộ ngành, địa phương
Cho ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt nêu rõ, trong giai đoạn 2011-2020, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống và trên trường quốc tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi và Nguyễn Hoàng Mai chỉ ra nhiều vấn đề bình đẳng giới chỉ được phát hiện ở giai đoạn thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật chứ không phải từ giai đoạn lập đề nghị, xây dựng và soạn thảo. Vì vậy, nội dung này cần tiếp tục rà soát và đánh giá để có giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, thực hiện bình đẳng giới thiếu tính bền vững và còn khoảng cách lớn giữa các khu vực, vùng miền, nhóm dân tộc, nhóm dân cư; việc thống kê về bình đẳng giới còn nhiều khó khăn. Qua đó, các đại biểu đề nghị lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật cần quan tâm số lượng và chất lượng; cần đảm bảo tính chặt chẽ trong sự phối hợp thực hiện bình đẳng giới giữa các cơ quan, Bộ ngành, địa phương.
Kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Tại Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ báo cáo về thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020, đồng thời tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 tới đây Ủy ban sẽ thẩm tra chính thức nội dung này. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị các Bộ, ngành có sự hợp tác chặt chẽ, cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Ủy ban quan tâm.