Như để đáp lại, có ai đó đã đăng lên bức ảnh một bữa ăn thịnh soạn với những giò chả, thịt cá, rau... tất cả đều làm bằng những khúc gỗ vụn hoặc dăm bào, được bài trí rất nghệ thuật. Bức ảnh phản ánh một thực trạng mà không ít gia đình đang phải đối mặt.
Một thực tế dù không quá phổ biến nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên mạng xã hội, đó là việc một số người vẫn đăng những bức ảnh khoe bữa ăn ngon lành, khoe cuộc sống thanh thản, an nhàn mà mình đang được tận hưởng, giữa lúc cả xã hội đang phải căng sức để chống chọi với dịch bệnh. Rất nhiều người đang phải hy sinh lợi ích cá nhân, nhiều người chấp nhận mất thu nhập để cùng cộng đồng chống dịch. Thực phẩm, nhu yếu phẩm đang được cung ứng nhằm đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Nhiều người dân đang kêu gọi, động viên nhau cùng chấp nhận khó khăn trước mắt để hướng tới mục tiêu chung: Sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Nhờ có mạng xã hội mà ngay giữa lúc cách ly xã hội kéo dài, người ta vẫn có thể bắt gặp nhiều hành vi khoe khoang và có thể phản ứng lại với hành vi đó. Không ai cấm bạn có một bữa ăn ngon nếu bạn có điều kiện; không ai cấm bạn thưởng thức vẻ đẹp của một bông hoa ngoài ban công; cũng chẳng ai phê phán nếu bạn có một tách trà, ly cà phê ngon để ngồi thưởng thức giữa yên tĩnh của phố phường thời "cách ly xã hội". Nhưng việc đưa những hình ảnh về sự "xa hoa" hay an nhàn của bạn lên mạng giữa lúc rất nhiều người trong xã hội phải quay cuồng với nỗi lo dịch bệnh, nỗi lo gia đình thiếu ăn, con nhỏ thiếu sữa để uống... thì đó quả là hành vi nhẫn tâm.
"Khoe khoang" giữa mùa dịch (Ảnh mang tính minh họa)
Một nghiên cứu của các nhà xã hội học phương Tây cho biết, khi đại dịch Covid-19 mới diễn ra, trên mạng có phong trào thử thách lúc cách ly: Số lượng sách đã đọc, các bài thể dục khó đã chinh phục... Thậm chí hồi ấy còn có những người đề cao những khía cạnh tích cực của cách ly rằng: Do cách ly mà thiết tha hơn với việc kết nối người thân yêu; biết quay lại chăm sóc bản thân như ngủ đúng giờ, tập thể dục chăm chỉ, sắp xếp lại nhà cửa... Họ khoe những thứ đó với một sự hân hoan.
Bất kể lý do gì, khoe khoang giữa lúc đại dịch là không nên, dù là khoe nghị lực vượt nghịch cảnh. Bởi khi số đông đang mất mát vì đại dịch thì chúng ta không nên chia sẻ những thứ được cho là lợi ích từ đại dịch. Bởi lợi ích ấy với người nào đó có thể là lớn lao nhưng lại chỉ là hạt cát chìm nghỉm giữa bể khổ của những người đang mất mát ngoài kia.
Một bác sĩ tâm lý học người Anh cho rằng, những hình ảnh đáng ghen tị trên Instagram, Facebook... chỉ khiến người ta thêm tiêu cực. Đặc biệt là với những người đang sống trong phong tỏa, cách ly, căng thẳng, việc nhìn vào những bức ảnh an nhiên trên mạng của những người khoe mình hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn, giàu có hơn sẽ làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, dẫn tới trạng thái trầm cảm.
Vì vậy, mong những ai có sở thích khoe trên mạng xã hội hãy cân nhắc trước khi đăng tải gì đó. Bởi nó có thể làm tổn thương đến những người khác...