Sáng nay, dù là ngày cuối tuần, lượng phương tiện tham gia giao thông thấp hơn song bầu không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng ở hầu hết các điểm đo.
Theo ghi nhận của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAMAir, hơn 40 điểm đo của Hà Nội vào lúc 8h sáng nay đều có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-170, thuộc nhóm màu đỏ (thang bậc 4 trong 6 tháng bậc chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ). Không khí như trên được xếp vào nhóm không tốt cho sức khỏe tất cả mọi người.
Điểm đo có chất lượng không khí tệ nhất là Học viện Tài Chính với chỉ số AQI là 179. Các điểm đo ở trung tâm Hà Nội như Bảo Linh (Hoàn Kiếm) là 161, Hàng Trống (Hoàn Kiếm 170), Trần Quang Khải 160. Các điểm đo khác như ngã 6 Ô Chợ Dừa là 164, Thái Hà (Đống Đa) là 155, Ngã Tư Sở là 156.
Chất lượng không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng vào sáng nay, theo ghi nhận của Hệ thống quan trắc PAMAir. Ảnh: Nguyễn Hoài
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, chỉ số AQI từ 100-200 thuộc nhóm không tốt, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Tại Thái Lan, chỉ số không khí lên ngưỡng như trên sẽ phải đóng cửa trường học để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh cũng như giảm lượng phương tiện tham gia giao thông. Ngày 30/1/2019, thủ đô Băng Cốc của Thái Lan từng đóng cửa 437 trường học vì chỉ số AQI lên hơn 170.
Trước đó, trong hai ngày 25-26/8, Hà Nội cũng chìm trong sương mù mờ mịt do ô nhiễm không khí, nhiều người tham gia giao thông cảm thấy ngột ngạt khi di chuyển trên đường.
Ô nhiễm không khí được coi là vấn đề nghiêm trọng của thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua, đặc biệt là vào mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra thường xuyên hơn. Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí thủ đô gồm hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp.
Trong các vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất. Bụi PM 2.5 là các hạt bụi có kích thướcbằng khoảng 1/30 sợi tóc con người.
Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng của Hà Nội. Theo đánh giá của thành phố, có 2 nguồn gây ô nhiễm chính là tình trạng phá dỡ các công trình xây dựng và giao thông. Thành phố hiện có tới 5,8 triệu xe máy và 0,7 triệu ô tô.