Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An: Chăm sóc thương binh bằng cả tấm lòng

(Dân sinh) - Đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài. Bao người đã bỏ lại máu xương của mình trên chiến trường để dành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Sau chiến tranh, nhiều chiến sỹ may mắn được trở về quê hương gặp lại người thân và đồng đội. Nhưng nhiều người trong số họ đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường...

Đến khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ an, ở xã Nghi Phong- Nghi Lộc- Nghệ An chúng tôi mới thấm thía nỗi đau chiến tranh. Trong ký ức của những thương binh lúc mơ, lúc tỉnh này gần như chỉ có những trận đánh với bom đạn dù chiến tranh đã qua đi 50 năm. Đang yên bình nhưng tiếng hét Xung phong! có thể vang lên bất cứ lúc nào. Và khi bệnh nhân đã lên cơn thì khu điều dưỡng như náo loạn  và đó cũng là thời điểm khó khăn nhất của nhân viên khu điều dưỡng. 

Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An:
Chăm sóc thương binh bằng cả tấm lòng
 - Ảnh 1.

Khuôn viên và sân chơi khang trang hiện đại dành cho các thương binh hôm nay.

Giám đốc Trung tâm Phạm Thành Trụ tâm sự: "Khi lên cơn thì họ khỏe khủng khiếp luôn, phải 4 anh thanh niên khỏe mạnh mới có thể giữ yên được họ để có thể tiêm thuốc. Vượt qua những cường cơn đó thì họ lại trở lại con người thật của mình hiền lành, trầm mặc, ưu tư…."

 Chính những lúc đó các y, bác sỹ và nhân viên khu điều dưỡng là những người bạn tâm sự, sẻ chia với họ. Các y tá, y sỹ trung tâm, ngoài công việc của người thầy thuốc còn là những người bạn, người thân của các thương binh đặc biệt này, với hàng trăm công việc không tên mà họ chưa từng được học hay tập huấn như; gãi lưng, gội đầu phỉnh nịnh thương binh như trẻ con. Họ nghe thương binh kể những câu chuyện về một cô giao liên trong chiến tranh, đến những trận đánh ác liệt mà họ đã từng trải qua… rồi trên khuôn mặt đờ đẫn của họ lại thoáng hiện lên nụ cười tươi rói.  

Trong ký ức của họ dường như chỉ có sự ác liệt của chiến tranh và một thời tuổi trẻ hăm hở ra đi vì lý tưởng. Khi trở về họ trở thành những thương binh tâm thần kinh. Có người không còn thân nhân, có người vẫn còn gia đình nhưng họ quá nghèo, hơn nữa họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào và gây nguy hiểm cho người thân của mình.

Chăm sóc bệnh nhân đã vất vả, chăm sóc bệnh nhân là thương binh tâm thần càng gian khổ hơn. Cán bộ, nhân viên ở đây làm việc bằng cả lương tâm của người thầy thuốc và lòng biết ơn, kính trọng đối với những bệnh nhân của mình. Bởi chính những con người khi la hét, dữ dằn, lúc lại hiền lành như đưa trẻ ấy, từng có quá khứ hào hùng, oanh liệt, đóng góp tuổi thanh xuân cho đất nước. Bởi vậy, trong tâm trí của những người phục vụ tại đây, ngoài trách nhiệm còn là tình yêu thương, tôn kính và lòng biết ơn đối với những người đã làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.

Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An:
Chăm sóc thương binh bằng cả tấm lòng
 - Ảnh 2.

Các thương binh đang sinh hoạt văn nghệ cùng cán bộ Quân khu IV cùng cán bộ Khu điều dưỡng thương binh TTK Nghệ An nhân kỷ niêm ngày thương binh liệt sỹ 27/7.

 " Nhiều năm nay, chúng tôi có nhiều đổi mới trong cách chăm sóc sức khoẻ cho thương binh. Trước đây là ăn no, mặc ấm, nhưng bây giờ chúng tôi chú trọng ăn ngon, mặc đẹp, chú trọng đời sống tinh thần của thương binh như vật lí trị liệu, tham quan, thăm lại chiến trường xưa, hồi lại ký ức để phục hồi trí nhớ ", ông Trụ cho biết thêm.

Những năm qua Khu điều dưỡng đã đưa các thương binh đi nghỉ mát ở biển Cửa Lò. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối nên mỗi cán bộ phải kèm một thương binh. Sau chuyến nghỉ mát trở về nhiều thương binh phấn khởi và sức khoẻ đã tốt lên rất nhiều. Cũng trong năm nay khu điều dưỡng đã thành lập Đội thuyên giảm nữ, tách thương binh là nữ sinh hoạt riêng để tiện điều trị, cử một đội trưởng và 4 nhân viên nữ phục vụ các thương binh nữ. "Chúng tôi làm việc bằng cả lương tâm của người thầy thuốc và cả lòng biết ơn đối với những bệnh nhân của mình". Đó là tâm sự của những y, bác sỹ và nhân viên khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An. Bệnh nhân của họ là những người đóng góp xương máu tuổi thanh xuân và cả những ký ức về gia đình, bè bạn… hy sinh vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.  

Để thuận tiện cho công việc hầu hết anh chị em tình nguyện "cắm chốt" tại cơ quan. Mặc dầu khó khăn là thế nhưng công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân được đặt lên hàng đầu. Luôn có người túc trực tại các khu bệnh nhân để kịp thời phát hiện các biểu hiện lên cơn và có phương án cắt cơn. Quản lý đối tượng được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có tình trạng bệnh nhân bỏ trốn… Đơn vị cũng đã có nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ bữa ăn hàng ngày cho đối tượng như tranh thủ nuôi lợn, gà, cá, trồng rau…. Khám bệnh, giặt đồ, tắm rửa định kỳ, kê đơn cấp thuốc, cho đối tượng uống thuốc đúng giờ. Đặc biệt, là tổ chức đưa hàng chục bệnh nhân đi thăm lại chiến trường xưa.

Rời khỏi khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An, chúng tôi thầm mừng vì ngày nay thương binh được chăm sóc đầy đủ cả vật chất và tinh thần. Thầm mong các anh ngày càng cố gắng để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật. Cả xã hội luôn ở bên các anh, cổ vũ động viên các anh.