Để đảm bảo sự công khai, minh bạch, theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong bầu cử nhằm mục đích bảo đảm cho các bước, các công đoạn trong quá trình tổ chức bầu cử được tiến hành đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi về tình hình đơn thư khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với các ứng cử viên đến thời điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết theo Báo cáo của Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo (Hội đồng Bầu cử Quốc gia) ngày 11/5/2021, đến nay Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã nhận được 102 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong số 102 đơn thư có 11 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội; 69 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; 20 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú; có hai đơn không liên quan đến bầu cử.
Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển các đơn thư đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và đã giải quyết được 54 đơn; xếp lưu 48 đơn (24 đơn trùng; 24 đơn không rõ nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử).
Kết quả cụ thể như sau: Đối với 11 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có 5 đơn đủ điều kiện xử lý, 6 đơn xếp lưu do nội dung tố cáo của công dân xuất phát từ việc khiếu nại, tố cáo của công dân không đạt được mục đích, công dân chuyển sang tố cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã giải quyết mà không cung cấp được căn cứ chứng minh sai phạm. Trong số 5 đơn đủ điều kiện xử lý, công dân có tố cáo, phản ánh về tiêu chuẩn đối với 7 nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (hai nhân sự tự ứng cử, 5 nhân sự được giới thiệu ứng cử). Tiểu ban đã có ba văn bản chuyển đơn phản ánh của công dân đến Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh để xem xét theo thẩm quyền; 5 văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, trả lời về 4 nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý cơ cơ quan Trung ương để Tiểu ban báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Tiểu ban đã nhận được thông tin kết quả về 1 nhân sự tự ứng cử đã bị loại khỏi danh sách ứng cử sau Hiệp thương vòng 3 do không đủ tín nhiệm; một ứng cử viên đại biểu Quốc hội do địa phương giới thiệu đã được cơ quan có thẩm quyền của địa phương xem xét, kết luận nhân sự được giới thiệu đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu. Đối với 4 nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý, giới thiệu của cơ quan ở Trung ương, Tiểu ban sẽ đôn đốc và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản phản hồi về nội dung công dân phản ánh để báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Thẩm tra tư cách đại biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV nếu ứng cử viên đó trúng cử.
Đối với 69 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Tiểu ban đã chuyển đến Ủy ban Bầu cử các cấp 38 đơn; chuyển đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương ba đơn phản ánh về hai nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý; lưu 29 đơn do nội dung tố cáo của công dân xuất phát từ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không đạt được mục đích chuyển sang tố cáo người đứng đầu cơ quan tổ chức.
Đến nay, Tiểu ban đã nhận được báo cáo của cơ quan có thẩm quyền thông tin nội dung tố cáo đối với 3 nhân sự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ( một nhân sự cấp xã, một nhân sự cấp huyện, một nhân sự cấp tỉnh) trước đó đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận theo đúng quy định của pháp luật, nhân sự được giới thiệu đủ tiêu chuẩn ứng cử, không vi phạm tiêu chuẩn đại biểu.
Đối với 20 đơn công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên, Tiểu ban đã chuyển 11 đơn đến Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh để xem xét, trả lời cho công dân, xếp lưu 9 đơn do có nội dung không rõ, đơn trùng.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định, trong thời hạn 10 ngày trước Ngày Bầu cử, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Theo Nghị quyết số 133/2020/QH14, Quốc hội quyết nghị Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Như vậy, đến ngày 13/5/2021 (10 ngày trước Ngày Bầu cử), Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
Đối với trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng chưa xem xét, giải quyết được hoặc đang giải quyết nhưng không thể kết thúc trước 10 ngày tính đến Ngày Bầu cử, theo Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW ngày 2/12/2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cơ quan chức năng cần kịp thời báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia (đối với đại biểu Quốc hội) hoặc thông báo với Ủy ban Bầu cử cấp tương ứng (đối với đại biểu Hội đồng nhân dân) xem xét, quyết định theo quy định.