Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2019, XK của Việt Nam đạt 241,7 tỷ USD, NK đạt 230,7 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch XNK đạt con số 472 tỷ USD.
Nhận định với đà xuất nhập khẩu năm 2019 trung bình 43 tỷ USD/tháng, theo tính toán của Bộ Công Thương, nửa sau tháng 12/2019 xuất nhập khẩu sẽ cán mốc 500 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, thương mại toàn cầu giảm tốc, cộng với xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước…, con số trên đạt được là kết quả đáng khích lệ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có mức gia tăng đáng kể trong khoảng 10 năm trở lại đây. 2019 cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Theo Bộ Công Thương, một trong những thành tích đáng kể của xuất khẩu hàng hóa là quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng.
Tính đến hết tháng 11/2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.
Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8%, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,9% của năm 2018 và 81% của năm 2017.
Con số tổng thể nói chung là như vậy, song khi soi xét kỹ lưỡng dễ thấy, suốt 11 tháng năm 2019, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là những cái tên khá quen thuộc như: Điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD); hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD); giày dép các loại (16,49 tỷ USD).