Cô sinh viên trẻ học ở một trường đại học tại thành phố Cao Hùng từ lâu đã là "khách quen" của bác sĩ Lý Gia Vân – một bác sĩ tiết niệu nổi tiếng tại Đài Loan. Cứ sau 2, 3 tuần, cô gái trẻ lại tìm đến phòng khám của bác sĩ Lý, lần nào cũng có chung một lý do đó là cảm giác nóng rát, khó chịu khi đi tiểu.
Sau khi xét nghiệm nước tiểu, bác sĩ chẩn đoán cô gái trẻ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, dù bác sĩ đã điều trị dứt điểm cho cô gái nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, bệnh nhân quay lại với tình trạng bệnh như cũ.
Nói chuyện với bác sĩ, cô gái cho biết bản thân mình vẫn uống đủ nước, vệ sinh sạch sẽ. Nhưng cứ quan hệ với bạn trai xong cô lại cảm thấy nóng rát, khó chịu khi đi tiểu.
Nghe câu chuyện của cô gái, bác sĩ Lý nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh không đến từ phía cô mà là ở phía người bạn trai. Bác sĩ đã yêu cầu cô gái dẫn bạn trai đến kiểm tra.
Quả đúng như những gì bác sĩ suy luận, bác sĩ Lý kiểm tra cho người bạn trai thì phát hiện bao quy đầu của anh này quá dài, khó vệ sinh nên trên bao quy đầu có rất nhiều chất bẩn. Đó là lý do vì sao cô gái trẻ lại liên tục bị nhiễm trùng đường tiết niệu suốt nửa năm qua.
Người bạn trai thú nhận mình đã bị viêm da từ lâu và rất nhiều lần nghĩ đến việc cắt bao quy đầu. Thế nhưng, chỉ cần nghĩ đến việc đụng chạm dao kéo vào "cậu nhỏ" anh đã sợ hãi nên từ chối cắt.
Được sự động viên của bác sĩ và cô bạn gái, người đàn ông này đã đồng ý thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu. Thủ thuật này được bác sĩ Lý thực hiện nhanh chóng, chỉ vỏn vẹn trong 5 phút.
Từ trường hợp của cô gái trẻ trên, có thể thấy nhiễm trùng đường tiết niệu gây cho người bệnh cảm xúc khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng của bất kỳ cơ quan nào trong hệ tiết niệu, bao gồm hai thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng liên quan đến phần dưới hệ tiết niệu – bàng quang và niệu đạo.
Để nhận diện nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể để ý đến các triệu chứng sau:
- Cảm giác rát buốt khi bạn đi tiểu.
- Đi tiểu thường xuyên, thậm chí khi bạn chỉ rặn ra được một ít nước tiểu.
- Đau tức lưng hoặc bụng dưới.
- Cảm giác mệt mỏi hoặc run rẩy.
- Sốt hoặc rét run.
Những yếu tố khiến chị em dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn
- Táo bón: Khi táo bón, phân không thể đi ra ngoài dễ dàng, vì vậy người bệnh sẽ phải căng cơ trực tràng để đẩy phân ra ngoài. Khi có nhiều áp lực lên các cơ trực tràng, bàng quang cũng có thể bị viêm và nhiễm trùng gây ra bệnh UTI.
- Bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường có mức đường huyết cao. Khi nồng độ glucose trong máu cao có thể không được lọc ra và có thể ở lại thận, do đó gây nhiễm trùng đường tiểu.
- Tình dục không an toàn.
- Nín tiểu quá lâu: Thói quen nín tiểu với mức độ thường xuyên có thể đẩy vi khuẩn vào đường tiết niệu và gây nhiễm trùng.
- Sử dụng thuốc ngừa thai: Sử dụng thuốc ngừa thai có thể gây ra những thay đổi nội tiết tố nhất định trong cơ thể, có liên quan đến UTI.
- Bị sỏi thận: Một trong những dấu hiệu thầm lặng của nhiễm trùng đường tiểu là sỏi thận, đó là một tình trạng nghiêm trọng. Những viên sạn có trong thận có thể gây viêm ở đường tiết niệu.
- Đã mãn kinh: Thời kỳ mãn kinh, phụ nữ bị thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn.
Theo Ettoday