Do đặc điểm là tỉnh miền núi, khó khăn nên công tác giảm nghèo được Ðảng bộ tỉnh Lào Cai xác định là nhiệm vụ chính trị trọng yếu. Ðể triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhiệm kỳ vừa qua, Ðảng bộ Lào Cai triển khai sớm việc xây dựng các đề án, chương trình trước đại hội, liên quan đến công tác giảm nghèo. Với ưu điểm chuẩn bị công phu, bàn bạc kỹ lưỡng lại sớm về thời gian nên nhiều chương trình, đề án, nghị quyết đạt chất lượng và mang tính khả thi cao.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, để nâng cao hiệu quả, chính quyền địa phương có những khảo sát đặc điểm nơi đây phù hợp với loại cây trồng, vật nuôi đặc sản nào. Đặc biệt là phải xóa tỏ tư duy tự cung tự cấp, thay vào đó và hướng dẫn người dân biết tận dụng lợi thế để khai thác và mở rộng sản xuất thành hàng hóa. Do vậy, trong các nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, Tỉnh ủy đặt trọng tâm vào các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của bà con từ sản xuất tự cung tự cấp sang tập trung, quy mô lớn. Tại Si Ma Cai, dự án "Ngân hàng bò" là mô hình đột phá tạo thành công theo hướng này.
Khảo sát thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, nếu việc xây dựng nghị quyết sớm, đúng, trúng là tiền đề thuận lợi thì vai trò của cấp ủy và đội ngũ cán bộ trong triển khai có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả.
Ở huyện Si Ma Cai, từ chuyện vận động không nuôi bò thả rông đến làm đường giao thông thôn, bản, các đồng chí lãnh đạo huyện xuống trực tiếp giải thích, bàn bạc tháo gỡ vướng mắc nhiều lần. Ðảng viên các thôn, bản gương mẫu đi đầu, thực hiện trước các mô hình chuyển đổi kinh tế để dân đến xem, học tập. Khi đã mắt thấy tai nghe, tay sờ thì bà con tin và tích cực làm theo. Nhiều chuyện khó như làm đường đến các thôn, bản, nhưng nhân dân đã đồng thuận, quyết tâm thì không có gì là không vượt qua. Bước vào nhiệm kỳ, Si Ma Cai không có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 4/9 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó, tín dụng chính sách cũng góp phần giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao (chương trình hộ nghèo và giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ đến 31/12/2019 đạt 2.898.212 triệu đồng với 68.595 khách hàng. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đạt 813.134 triệu đồng với trên 17.520 khách hàng đang dư nợ...
Nhìn vào các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai đều hướng đến người nghèo và thôn, bản đặc biệt khó khăn, như: Chương trình tín dụng hộ nghèo; chương trình tín dụng hộ cận nghèo; chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn; các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Có thể nói, triển khai các chương trình tín dụng chính sách đang có tác động rất tích cực đến đời sống người dân, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Như tại một số xã, thôn, bản ở khu vực huyện Bắc Hà, huyện biên giới Si Ma Cai. đến thăm nhiều hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số người Nùng, Thu Lao, người Mông… thấy hầu hết các hộ đều phát triển kinh tế gia đình bằng việc chăn nuôi vài ba con trâu, bò. Chăn nuôi trâu bò đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân.
Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với chính sách tổng thể thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...
Thực tiễn Lào Cai cho thấy, để xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng và phát huy nguồn lực con người, trước hết nguồn lực lãnh đạo quản lý, là động lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định.