Chiêm Hoá luôn chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, trong những năm qua, UBND huyện Chiêm Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức sưu tầm, khai thác những làn điệu nghệ thuật văn hóa mang sắc thái từng dân tộc sinh sống trên địa bàn. Các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hàng năm như: lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày ở các xã, lễ Cấp sắc và lễ Cầu mùa của dân tộc Dao, mở các lớp truyền dạy hát Then, đánh đàn tính, đưa hát Then - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào trường học để giữ gìn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Tuyên Quang Âu Thị Mai nói, trong những năm qua tỉnh đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đối với văn hóa vật thể, tỉnh đã đẩy mạnh chỉnh trang tôn tạo các khu, điểm di tích, giữ gìn bảo vệ nghiêm ngặt và hài hòa các khu danh thắng quốc gia. Đối với loại hình văn hóa phi vật thể, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành ưu tiên kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho từng đối tượng, có giải pháp bảo tồn trong cộng đồng. Năm 2013, Lễ hội Lồng tông đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhiều năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa ngày càng phát triển mạnh. Hầu hết các xã, thị trấn, các đơn vị, trường học... trên địa bàn huyện đều duy trì đội văn nghệ quần chúng, tổ chức giao lưu, biễu diễn vào những dịp lễ tết, ngày nghỉ. Hiện nay, toàn huyện có 508 đội văn nghệ quần chúng, có 44 câu lạc bộ hát then, đàn tính dân ca, dân vũ. Các đội văn nghệ, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả đã góp phần lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc.
Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Chiêm Hóa cho biết, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Độc đáo Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa
Lễ hội Lồng tông rất phong phú cả về phần lễ và phần hội, có thể xem như một "Bảo tàng sống", nói lên hoạt động phong phú, sinh động đời sống tâm linh của tộc người. Có thể nói, Lễ hội Lồng tông là một trong những lễ hội truyền thống của tộc người Tày ở khu vực phía Bắc, thực sự trở thành nơi bảo tồn, và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đi trảy hội Lồng tông, với người dân để cầu ước về một năm mới hanh thông, đi hội để chơi xuân, gặp lại bạn bè, người thân trong năm mới, chúc nhau những điều tốt lành. Anh Ma Văn Tuần, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) tâm sự, năm nào cũng vậy, mùng 8 Tết cả gia đình đi trảy hội Lồng tông. Trước khi đi gia đình anh có làm một mâm cơm cúng bái vọng. Lúc đi hội về anh Tuần không quên lấy một quả còn hay một ít hạt giống về treo cạnh bàn thờ để lấy may cả năm. Trải qua bao nhiêu mùa xuân, lễ hội Lồng tông thấm vào văn hóa của từng người, từng gia đình. Dù làm gì hay đi ngược về xuôi, mọi người đều cố gắng sắp xếp để về vui hội Lồng tông.
Ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, lễ hội Lồng tông được tổ chức gắn với việc thờ cúng tại đền Bách Thần - nơi hội tụ của thiên thần (Ngọc Hoàng Thượng Đế), địa thần (Thần linh, Thổ địa, Long Vương, Sơn thần, Thủy thần, Long mạch) và nhân thần (Vua Hùng, Âu Cơ; những người có công với đất nước... được nhân dân phong thánh; những người có công đánh giặc giữ nước, trong đó có nhân vật được thờ Ma Doãn Giảo, một vị châu chủ đất Chiêm Hóa, quê ở Bản Cuống, xã Minh Quang, là người có công đánh giặc Cờ đen vào khoảng cuối Thế kỷ XIX, khi mất được nhân dân tôn thờ ở nhiều nơi, trong đó có đền Bách Thần. Ngoài ra, đền Bách thần thờ Tam Quang: Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng), Tinh (các vì sao) với ý nghĩa đem sự sống đến cho con người.
Đồng bào Tày coi lễ hội Lồng tông là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin thiêng liêng, cháy bỏng của mỗi người dân về một cuộc sống yên lành, no đủ, đồng thời cũng chứa đựng đầy đủ những nét tinh túy trong bản sắc văn hóa của người Tày, như: văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trò chơi dân gian...
Nhớ về cảm xúc làm thầy Pú Mo (thầy cả) trong lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa, ông Vũ Văn Vìn, xã Phúc Sơn cho biết, trong cuộc sống tâm linh, người Tày thường nhờ các thầy Then cao tay về cúng giải hạn, vào nhà mới, mát nhà cho gia đình, dòng họ. Ngoài cúng cho gia đình, dòng họ thầy Then còn cúng cho cả cộng đồng rộng lớn như một thôn, một xã, một huyện trong lễ hội Lồng tông. Phần lễ, thầy cúng dâng lên Thần Nông, Thành Hoàng Làng với nghi lễ rước mâm tồng, cày tịch điền, tán lộc và tung còn. Xong phần lễ sẽ đến phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống, thi thể thao, múa hát, trưng bày các gian hàng. Ở phần lễ hòa quyện vào phần hội chính là màn tung còn lý thú. Chỉ khi những trai thanh nữ tú tung thủng vòng nguyệt còn thì phần lễ mới kết thúc, kỳ vọng vào một năm đầy may mắn.
Qua lễ hội Lồng tông cho thấy rõ bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày xứ Tuyên. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, lễ hội Lồng tông vẫn phát triển theo dòng chảy của dân tộc. Lễ hội thể hiện tính ước vọng và đoàn kết cộng đồng rất cao của người Tày. Mấy năm gần đây ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với các huyện tiến hành bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị của lễ hội Lồng tông ngày một quy mô, đông vui hơn.
Với việc tổ chức các lễ hội Lồng tông ngày càng quy mô, bài bản ở các địa phương đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, đồng thời đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của tỉnh.