Dự thảo nêu rõ, liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp (liên kết đào tạo) là sự hợp tác giữa đơn vị chủ trì liên kết đào tạo với đơn vị phối hợp để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, chứng chỉ sơ cấp nhưng không hình thành pháp nhân mới.
Liên kết đào tạo nhằm mục tiêu khai thác, huy động, phối hợp các nguồn lực xã hội để đào tạo nguồn nhân lực lao động ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau: 1- Liên kết phối hợp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo trực tiếp tham gia giảng dạy, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo hoặc chỉ tham gia vào hoạt động giảng dạy trong chương trình liên kết đào tạo; 2- Liên kết đặt lớp đào tạo: Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.
Điều kiện tổ chức liên kết đào tạo
Theo dự thảo, việc tổ chức liên kết đào tạo phải đảm bảo các điều kiện sau: 1- Ngành, nghề đào tạo dự kiến liên kết phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương, doanh nghiệp.
2- Đảm bảo các yêu cầu về chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy; chương trình, giáo trình phù hợp với mục tiêu của khóa học theo quy định của các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp.
3- Việc quản lý người học trong quá trình đào tạo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2017/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên trong trường trung cấp, trường cao đẳng.
4- Việc liên kết theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2017 của của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5- Liên kết đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe, địa điểm đào tạo và cơ sở vật chất, thiết bị phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để tổ chức đào tạo theo quy định của Bộ Y tế.
Dự thảo nêu rõ, đơn vị chủ trì liên kết đào tạo phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành, nghề dự định liên kết đào tạo theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chủ trì, phối hợp với đơn vị liên kết đào tạo chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ nhà giáo theo quy định trong chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu để tổ chức đào tạo theo các hình thức liên kết đảm bảo chất lượng đào tạo.
Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo phải phối hợp với đơn vị chủ trì liên kết đào tạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng để tham gia tổ chức hoạt động liên kết đào tạo theo thỏa thuận giữa hai đơn vị. Đơn vị phối hợp liên kết đào tạo được tham gia giảng dạy chương trình đào tạo tùy thuộc vào điều kiện và hình thức liên kết đào tạo. Kế hoạch, thời gian, khối lượng nội dung giảng dạy do hai bên thống nhất và được thể hiện trong hợp đồng liên kết đào tạo theo quy định.