Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

“Buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài”

(Dân sinh) - Chiều 5/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, về quản lý lao động ngoài nước, có hai việc khác nhau: Loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Liên quan đến quản lý lao động, là người chịu trách nhiệm quản lý việc làm, trước hết tôi xin chia sẻ và gửi lời chia buồn tới gia đình, các thân nhân người thiệt mạng tại Anh quốc vừa qua.

Tôi khẳng định, về quản lý lao động ngoài nước, có hai việc khác nhau: Loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài. Riêng tổ chức lao động ở nước ngoài thực hiện theo Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ và gửi lời chia buồn tới gia đình, các thân nhân người thiệt mạng tại Anh quốc vừa qua.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các quốc gia đưa người Việt Nam tới lao động đều có các hiệp định về lao động, hay bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam.

Theo đó, những người đi lao động hợp pháp qua 5 hình thức: Thứ nhất, qua các doanh nghiệp Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH cấp phép; Thứ hai, hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn, công ty của 32 nước có hợp tác; Thứ ba, đi theo dạng cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài, nhưng vẫn đăng ký qua Sở LĐ-TB&XH, cơ quan quản lý người lao động ở nước ngoài; Thứ tư là hợp tác đào tạo liên kết giữa 2 bên cấp phép; Thứ năm, gần đây Chính phủ cho phép trao đổi lao động hợp tác giữa các địa phương ở 2 quốc gia trong thời hạn ngắn hạn, ví dụ như hợp tác Việt-Nhật, Việt-Hàn hay lao động du lịch làm thêm tại Cộng hoà Czech.

Bộ trưởng cho biết, hiện có gần 400 doanh nghiệp được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Trong 3 năm qua, mỗi năm đưa trên 100.000 người đi lao động tại các nước, cao nhất năm 2018 là 143.000 lao động, chủ yếu 4 địa bàn: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.

Riêng châu Âu ký hợp tác với 2 quốc gia. Thứ nhất là Romania, năm 2018 và đầu năm 2019 đã đưa được 3.000 người sang làm việc. Thứ hai là CHLB Đức, gần đây đã ký hợp tác lao động nhưng chưa ký toàn diện, chủ yếu đưa điều dưỡng viên lao động ở Đức (1.066 người).

"Tôi đã vào nơi các lao động làm việc, kiểm tra nơi ăn ở, nói chung là cuộc sống tốt, mức thu nhập 2.600 EUR/tháng, sau khi trao đổi thêm dự kiến nâng lương lên 3.000 EUR/tháng/1 người… Việc đưa người lao động đi nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương từng doanh nghiệp, người được doanh nghiệp đưa đi đều được cấp Visa, có chính sách bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội…" - Bộ trưởng chia sẻ.

Loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung căn dặn các điều dưỡng viên Việt Nam trước khi sang CHLB Đức

Bộ trưởng cũng cho hay, hiện nay, có hiện tượng doanh nghiệp không có chức năng, mượn phép, liên doanh, liên kết trá hình đưa lao động đi, hoặc không được cấp giấy phép nhưng làm "cò mồi"… Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo phối hợp xử lý nhiều. Có doanh nghiệp trái phép phải chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Với gần 400 doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, vừa qua Bộ tiến hành thanh, kiểm tra 118 doanh nghiệp, thực hiện thu hồi, đình chỉ hoặc cấm vĩnh viễn một số doanh nghiệp vi phạm, kể cả doanh nghiệp truyền thống, bề dày hoạt động 25 năm nay.

Với Nhật, Hàn Quốc, các bên đã thống nhất, nếu doanh nghiệp nào vi phạm, ở cả 2 đầu tiếp nhận và cử người đi đều bị xử lý.

Bộ LĐ-TB&XH cũng xử lý sai phạm với địa bàn có nhiều người đi nhưng không chịu về, trốn lại làm việc khi hết hạn. Năm 2016 có 56% người lao động trốn ở lại Hàn Quốc, qua 3 năm, tỉ lệ này giảm còn 26%.

"Chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp như: Ký quỹ, đình chỉ tạm thời không cho một số địa phương cử người đi, hiện có 48 huyện, 11 tỉnh không được cho lao động đi Hàn Quốc, các doanh nghiệp vi phạm cũng bị đình chỉ…

Chúng tôi cũng có khuyến cáo mong nhân dân, thanh niên có kế hoạch lao động nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua cơ quan được cấp phép và ký hợp tác ở nước sở tại, được bảo hộ công dân, có Visa, giấy phép lao động, có mức lương, có thoả thuận. Cơ quan chức năng cũng hỗ trợ đứng ra thoả thuận với các nước đến về lương, thuế phải nộp… Bộ có công khai tên, danh sách các đơn vị được phép. Do đó, bà con không nên đi theo đường bất hợp pháp hay qua các doanh nghiệp không được cấp phép…" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài - Ảnh 4.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 5/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân tử vong trong xe container tại Anh; yêu cầu các cơ quan chức năng "làm hết sức để bảo hộ công dân"; động viên, hỗ trợ thân nhân người gặp nạn.

Dự kiến trong hôm nay hoặc sáng mai (6/11), đoàn công tác Việt Nam phối hợp với phía Anh sẽ công bố danh tính 39 nạn nhân; việc này được thực hiện với tinh thần "sớm nhất có thể", song còn phụ thuộc vào nhà chức trách sở tại.

Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc thông tin thêm, đến nay 35 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã trình báo dấu hiệu cho thấy "có thể người thân của họ nằm trong số 39 nạn nhân tử vong ở Anh".

"Cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp chặt chẽ với phía Anh, sau khi xác định được danh tính, tùy theo quy định của pháp luật, phong tục tập quán để thông báo với địa phương và gia đình", ông Ngọc nói.