Tuổi thơ thời còn đi học của tôi là khung cảnh “lội bộ” trên con đường đất đỏ gập ghềnh dài mấy chục km Việt Trì (Phú Thọ). Thời ấy kinh tế khó khăn, chợ cóc, chợ tạm mọc lên lèo tèo, heo hút.
Băn khoăn với nỗi lo cải thiện cuộc sống, con đường lập nghiệp của tuổi trẻ rồi sẽ đi đến đâu, tôi quyết định xin bố mẹ cho xuống Hà Nội kiếm sống. Vốn có một chút năng khiếu, năm 18 tuổi, tôi đăng ký theo học tại trường trung cấp, nghề nấu ăn.
Mọi người thường thắc mắc tại sao tôi không chọn đại học để có tương lai tươi sáng hơn mà lại chọn học nghề. Nhưng tôi biết không ít người có tấm bằng đại học trong tay rồi vẫn phải chật vật đi tìm kiếm việc làm.
Sau ngày nhập học, tôi nỗ lực hết mình để tiếp thu những gì thầy cô trên trường truyền dạy. Trong nghề đầu bếp, chi tiết là điều quan trọng. Mọi thứ đều phải tỉ mỉ từ cách ướp gia vị, cách nấu cho đến trang trí món ăn.
Với tôi, người đầu bếp chân chính không chỉ đơn giản là tạo nên những món ăn ngon từ đôi tay mà còn phải tạo nên những giá trị sau những món ăn hấp dẫn.
Chúng tôi được thầy cô dạy về sự trân trọng, mến khách và lương tâm đầu bếp. Một người đầu bếp giỏi là phải biết lựa chọn nguyên liệu đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng và không vì lợi nhuận mà quên đi mạng sống của con người.
Trong những ngày tháng sinh viên, tôi cũng đi kiếm tiền bằng công việc phục vụ quán ăn, nhà hàng. Ngoài việc nấu nướng, sau mỗi buổi tối, tôi phải chùi bồn cầu, lau sàn quán. Có chút tủi thân nhưng mục tiêu trở thành đầu bếp và được nấu ăn trong tôi chưa bao giờ tắt.
Càng đi học, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học nấu ăn như chúng tôi phải nhờ quen biết để vào làm cho các nhà hàng, khách sạn lớn. Nhưng tôi không quen biết ai ở đất Hà Nội này để cho mình một chỗ học nghề tử tế.
Tôi nhớ về bát bún rối ngày xưa mẹ hay nấu cho tôi ăn. Thức ăn dân dã ấy đã theo tôi suốt quãng tuổi thơ và khiến tôi cảm thấy ấm áp khi nhớ về.
Tôi đánh liều nhờ bố mẹ vay cho ít tiền để mở quán. Dù cho đó là quyết định “điên rồ” và vẫn có ước mong con sẽ học đại học để “đổi đời”, nhưng cuối cùng bố mẹ cũng bấm bụng bán mấy con lợn, cầm sổ đỏ cho tôi có chút tiền kinh doanh.
"Mình cũng đâu muốn ai ép mình làm điều mình không thích. Hơn nữa, nghề nghiệp là cuộc đời của nó, phải để nó quyết chứ", bố tôi động viên mẹ.
Thế là tôi cùng vợ thuê một căn nhà nhỏ gần khu công trường xây dựng. Khởi nghiệp với quán ăn đầu tiên, tôi trực tiếp đứng bếp, chạy bàn và làm bất cứ thứ gì liên quan. Hồi đó khu Trung Hòa Nhân Chính đang có rất nhiều dự án xây dựng nên việc buôn bán hàng ăn của chúng tôi khá thuận lợi.
Chúng tôi trân trọng từng món ăn đưa đến thực khách. Dần dần, chúng tôi cũng đã tạo ra những quán ăn của riêng mình. Đến giờ, tôi nhận ra lựa chọn của mình là đúng và lựa chọn ấy đã cho tôi cơ hội để thể hiện sở trường của bản thân.
Tôi chẳng có gì để tự ti khi mình không học đại học như các bạn, dù cho vào đại học cũng từng là ước mơ của tôi. Nhưng tôi nghĩ mỗi người có một thế mạnh và một hoàn cảnh khác nhau. Xét cho cùng, học cũng là để làm người.
Kể vài chuyện nhỏ vậy để thấy rằng việc học nghề không phải là “lựa chọn cuối cùng” như nhiều người vẫn nghĩ. Nấu ăn, cắt tóc, trang điểm, cắt may, sửa xe máy... cũng có thể dẫn tới thành công. Vấn đề chính vẫn là ở từng cá nhân. Bạn đam mê gì, có thế mạnh gì và nhu cầu xã hội như thế nào? Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu nhân lực lành nghề đang tăng lên, tôi nghĩ cơ hội việc làm với những người học nghề trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều.
Tôi cũng thầm cảm ơn những người thầy đã dạy cho tôi kỹ năng cần thiết để bước vào nghề cũng như tiếp thêm nhiệt huyết, “lửa nghề” và trao cho tôi những giá trị tốt đẹp của nghề nấu ăn.
Tôi có thêm một ước mơ sẽ mở một trường dạy nấu ăn hoặc nhỏ hơn sẽ là một lớp dạy nấu ăn. Đó sẽ là nơi dành cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng vào đại học, cũng không có điều kiện theo học các trường nghề. Tôi muốn nó tồn tại dưới hình thức vừa học vừa làm - như chính tôi của ngày xưa.