Đỉnh điểm của sự việc, ngày 19/5, hàng trăm khách hàng mua nền đất của Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng bất động sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh), Công ty TNHH MTV Đất Xanh Long An (Công ty Đất Xanh Long An) tập trung về UBND tỉnh Long An để căng băng rôn cầu cứu chính quyền.
Những khách hàng này đã mua nền đất tại các dự án Hưng Thịnh Cát Tường (xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa, Long An) và dự án khu dân cư Đất Xanh Long An (Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An) của Công ty Hưng Thịnh Công ty Đất Xanh Long An.
Các khách hàng cho biết, họ bị chủ đầu tư là Công ty Hưng Thịnh và Công ty Đất Xanh Long An vẽ ra dự án 'ma' để lừa đảo bán khống khi chưa có thủ tục pháp lý.
Theo tố cáo, dự án Hưng Thịnh Cát Tường được rao bán từ cuối năm 2017, với diện tích hơn 9,4ha. Sau đó, Công ty Hưng Thịnh tiếp tục vẽ nền trên giấy để rao bán cho khách với diện tích 27ha mở rộng. Tuy nhiên, phần diện tích mở rộng này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt, chưa đền bù xong. Khi phát hiện mình bị lừa đảo, người dân tìm gặp chủ đầu tư để lấy lại tiền nhưng không thấy địa chỉ công ty.
Trong khi đó, theo các cơ quan chức năng của tỉnh Long An, dự án Hưng Thịnh Cát Tường đến nay mới chỉ được giao đất hơn 5,5ha (giai đoạn 1), còn phần 27ha mà Công ty Hưng Thịnh rao bán nền chưa có cơ quan nào chấp thuận.
Đối với Công ty TNHH MTV bất động sản Đất Xanh Long An (dự án khu dân cư Đất Xanh Long An), nhóm cổ đông chính, vẫn là người của Công ty Hưng Thịnh, cũng vẽ dự án Hưng Thịnh Cát Tường để huy động vốn khi chưa đền bù xong. Các lô đất mà Công ty Đất Xanh Long An bán cho khách hàng hiện vẫn còn là đất của người dân.
Trước đó, ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Long An phát thông báo truy tìm 4 đối tượng liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường do Công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Long An, qua kết quả xác minh ban đầu, 4 đối tượng gồm: Nguyễn Kim Phượng (thường trú tại quận 4, TP. HCM) là Giám đốc đại diện pháp luật của Công ty Hưng Thịnh giai đoạn 19/5/2017 đến 26/8/2018; Nguyễn Thị Kim Liên (thường trú tại Mỏ Cày, Bến Tre), Giám đốc đại diện pháp luật giai đoạn từ ngày 26/8/2018 đến 30/3/2019; Lê Hữu Hào (thường trú tại Chợ Gạo, Tiền Giang), Giám đốc đại diện pháp luật giai đoạn từ ngày 1/4/2019 đến nay; Nguyễn Phú Thuận (thường trú tại Đức Hòa, Long An), Tổng Giám đốc kiêm chủ tài khoản.
Trong thời gian điều hành Công ty Hưng Thịnh, các đối tượng là giám đốc, đại diện pháp luật của công ty qua các giai đoạn đã ký kết các hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trả góp, góp vốn đầu tư… đã bán 118 lô đất nền không có trong dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường, chiếm đoạt tổng số tiền gần 58 tỉ đồng của người dân.
4 đối tượng trên là giám đốc và người đại diện của công ty này trong giai đoạn từ ngày 19/5/2017 đến nay đều bị thông báo truy tìm để phục vụ công tác điều tra, xác minh tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án khu dân cư nói trên.
Đề phục vụ công tác điều tra, xác minh đơn tố giác tội phạm Công an tỉnh Long An đề nghị Phòng PC03 - Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng PC01, PC02 và công an các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Long An phối hợp truy tìm.
Dự án khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường được UBND tỉnh Long An quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 15/6/2017 với diện tích 94.895 m2 (gần 9,5ha) tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa. Theo đó, quy định từ năm 2017 - 2018 tiến hành đo đạc, đền bù đất đai và tài sản cho người dân; năm 2018 - 2019 quy hoạch và thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục và đến năm 2019 mới đưa vào kinh doanh quỹ đất.
Tuy nhiên, Công ty Hưng Thịnh lại vẽ ra một bản đồ phân lô đất nền với diện tích 9,5ha nói trên kèm theo khu đất mở rộng lên đến 27ha (gọi là giai đoạn 2) để bán cho khách hàng.
Sau khi khách hàng tìm đến công ty để làm rõ thông tin, Hưng Thịnh Cát Tường đã nhanh chóng dời trụ sở tại TP. HCM về Long An, sau đó cũng đóng cửa luôn trụ sở này. Dù vậy, trong thời gian không có trụ sở, công ty này vẫn phát đi những thông báo yêu cầu người mua đất tiếp tục đóng tiền hoặc bán đất nền cho khách hàng có nhu cầu và khẳng định vẫn làm đúng pháp luật và dọa phá sản nếu khách hàng không hiểu và chia sẻ.
Tuy ngày 1/9/2019, Công ty Hưng Thịnh có thông báo ngưng hoạt động giao dịch trong 6 tháng và đóng cửa văn phòng nhưng vẫn gửi các thông báo nhắc đóng tiền tới khách đã mua đất nền trước đó.
Luật sư Đào Xuân Sơn, đoàn luật sư TP. HCM nhận định: Theo Điều 55 - Điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.
Thứ nhất phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Thứ hai, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Như vậy, đối với dự án án Hưng Thịnh Cát Tường dạng phân lô bán nền thì điều kiện để mở bán là "thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án". Công ty Hưng Thịnh chưa đáp ứng được điều kiện này mà mở bán là sai luật.
Đối với việc bán đất chưa đền bù, giải tỏa xong có nghĩa là vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu khác. Hành vi mở bán khi chưa đền bù giải toả xong chẳng khác gì bán đất của người khác", bán cái không thuộc sở hữu của mình.
Nếu chứng minh được những người thành lập công ty Hưng Thịnh để làm dự án Hưng Thịnh Cát Tường và công ty Đất Xanh Long An là một thì chứng tỏ đây là việc làm có chủ đích, có kế hoạch để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Là hành vi lừa đảo có yếu tố "tinh vi, sử dụng pháp nhân để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản; sử dụng pháp nhân để người dân đi tố cáo pháp nhân chứ không đi tố cáo cá nhân"; mà pháp nhân thì không phải là chủ thể của tội lừa đảo nên cơ quan chức năng thường hướng dẫn khởi kiện ra Toà dân sự. Nếu người dân khởi kiện ra toà dân sự coi như những "người chủ công ty này" đã thắng; lúc đó, họ sẽ "chứng minh không có khả năng trả nợ" và người dân tuy thắng kiện nhưng "bản chất thực sự vẫn là mất tiền".
Tuy nhiên "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động …
Chính vì vậy, trong trường hợp này thì người dân cần tố cáo những người "đã ký tên trên hợp đồng mua bán, người đại diện pháp luật" ra cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi của mình, Luật sư Sơn chia sẻ.