Tăng trưởng tại nhóm các nền kinh tế hiện đại được dự báo sẽ giảm xuống 1,4% trong năm 2020, một phần do sản xuất chế tạo và chế biến tiếp tục chững lại. Tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ tăng lên 4,1% trong năm nay.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều, với giả định rằng kinh tế sẽ cải thiện ở một nhóm nhỏ các nền kinh tế lớn, trong đó có một số quốc gia phục hồi sau một giai đoạn suy yếu đáng kể. Tăng trưởng sẽ giảm tốc ở khoảng một phần ba các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi trong năm nay do đầu tư và xuất khẩu yếu hơn so với dự kiến.
"Với việc tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dự kiến vẫn thấp, các nhà hoạch định chính sách cần nắm bắt cơ hội để cải cách cơ cấu nhằm đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện, là thiết yếu để giảm nghèo", theo lời của Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách về Tăng trưởng Công bằng, Tài chính và Thể chế, Ceyla Pazarbasioglu. "Các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thượng tôn pháp luật, quản lý nợ, nâng cao năng suất có thể giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững".
Tăng trưởng của Mỹ theo dự báo sẽ chững lại ở mức 1,8% cho năm nay, do tác động tiêu cực của các động thái tăng thuế quan trước đó và tình trạng bất định gia tăng. Tăng trưởng ở khu vực đồng Euro theo dự báo sẽ trượt dốc xuống mức thấp hơn là 1% vào năm 2020 do các hoạt động công nghiệp yếu đi.
Báo cáo nhận định, triển vọng toàn cầu vẫn bị chi phối bởi rủi ro suy giảm. Nếu những rủi ro đó bị hiện thực hóa, chúng sẽ kéo tăng trưởng thấp hơn đáng kể. Đó là những rủi ro về căng thẳng thương mại tái leo thang cùng bất định về chính sách thương mại, suy giảm mạnh hơn dự kiến ở các nền kinh tế lớn, và biến động tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Thậm chí khi tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi được hồi phục theo dự kiến, tăng trưởng theo đầu người vẫn thấp hơn so với mức bình quân trong dài hạn và thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để hoàn thành các mục tiêu về xóa nghèo.
"Lãi suất thấp trên toàn cầu chỉ là cách phòng vệ tạm thời để tránh khủng hoảng tài chính", theo Giám đốc Nhóm Dự báo Viễn cảnh của Ngân hàng Thế giới, Ayhan Kose. "Lịch sử về các làn sóng nợ trước đây cho thấy những làn sóng đó thường đem lại kết cục không có hậu. Trong môi trường toàn cầu đầy mong manh, cần phải có những cải thiện về chính sách để giảm rủi ro liên quan đến làn sóng nợ hiện nay".
Báo cáo cho thấy triển vọng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương: Tăng trưởng trong khu vực được dự báo sẽ chững còn 5,7% vào năm 2020, do tăng trưởng tại Trung Quốc tiếp tục giảm xuống 5,9% trong năm nay với khó khăn trong nước và bên ngoài tiếp tục diễn ra, bao gồm tác động kéo dài của căng thẳng thương mại.
Tăng trưởng của khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, được dự báo sẽ khôi phục nhẹ lên 4,9%, do sức cầu trong nước được hưởng lợi nhờ tình hình tài chính nhìn chung thuận lợi, lạm phát thấp và dòng vốn đầu tư mạnh đổ vào một số quốc gia, kết hợp với các dự án hạ tầng công quy mô lớn được đưa vào sử dụng (Phi-líp-pin và Thái Lan).
Tăng trưởng của khu vực cũng được hưởng lợi nhờ giảm bất định chính sách thương mại toàn cầu và thương mại toàn cầu được hồi phục nhẹ, cho dù chưa mạnh.