Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nâng cao năng lực nhân sự thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để chính sách này thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động- Đó là mục tiêu của Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN” đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng.

Đến 2021: 100% nhân sự thực hiện BHTN được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu

Sau 10 năm thực hiện BHTN giai đoạn năm 2009-2018 nhiều thành tựu nổi bật như: tính đến hết năm 2018, cả nước có gần 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 25,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt so với dự kiến; hỗ trợ cho gần 5 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường hiệu quả...

Tuy nhiên bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện BHTN còn bộc lộ nhiều hạn chế, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa có người sử dụng lao động nào được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; chính sách BHTN chưa thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hạn chế trong đó có nguyên nhân về tổ chức thực hiện BHTN cả về nhân sự và tài chính.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp – Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Đề án "Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN" được xây dựng với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BHTN, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Cụ thể:

Giai đoạn đến năm 2021: 100% nhân sự thực hiện BHTN tại trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về BHTN giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH; toàn bộ chi phí thực hiện BHTN lấy từ Quỹ BHTN; xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực và hiệu quả của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thực hiện BHTN.

Nâng cao năng lực nhân sự thực hiện chính sách BHTN - Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Giai đoạn đến năm 2025: 100% trung tâm dịch vụ việc làm đạt tiêu chuẩn và được hiện đại hóa; thực hiện tiêu chí đánh giá năng lực và hiệu quả của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thực hiện BHTN; hoàn tất việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH và thực thi chính sáchBHTN; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 85%.

Giai đoạn đến năm 2030: chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 90%.

Thực hiện 12 nhóm giải pháp

Ông Trần Tuấn Tú cho biết, Đề án đã đưa ra 12 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN gồm: hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN; nâng cao năng lực nhân sự thực hiện BHTN; đổi mới cơ chế tài chính và nguồn tài chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN; các nhóm giải pháp khác về cơ sở vật chất, công tác quản trị thị trường lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện chính sách BHTN, tăng cường công tác hỗ trợ học nghề, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN, phối hợp thực hiện và hợp tác quốc tế.

Trong đó, nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức thực hiện BHTN nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện BHTN phải đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức thực hiện, chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách BHTN là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm; gắn kết giữa giải quyết các chế độ cùng với việc chi trả BHTN trong quá trình triển khai thực hiện.

Nhóm giải pháp nâng cao năng lực nhân sự thực hiện BHTN trên cơ sở tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng nhân sự; xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cải cách chế độ, chính sách sử dụng, thu hút, đãi ngộ, khen thưởng gắn với hiệu quả công việc,...

Nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính và nguồn tài chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW: "Toàn bộ chi phí tổ chức thực hiện BHTN lấy từ nguồn Quỹ BHTN. Các hoạt động khác của trung tâm dịch vụ việc làm do Ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn hợp pháp khác". Ngoài ra, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN cũng cần được chú trọng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHTN.

Đề án cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất về BHTN đối với Quốc hội, Chính phủ trong đó nhấn mạnh về việc hoàn thiện chính sách việc làm, chính sách BHTN để BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm: xây dựng chính sách BHTN thành chính sách bảo hiểm việc làm và điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện BHTN. Đồng thời, Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động thực hiện chính sách BHTN.