Nhiều phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật được hỗ trợ pháp lý
Phát biểu khai mạc, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm góp phần hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Đây cũng là một trong những hoạt động thuộc dự án "Nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại 4 quận, huyện của Hà Nội" do Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) tài trợ cho Hội NKT TP. Hà Nội thực hiện trong năm 2019-2020. "Trong những năm qua, Hội NKT Hà Nội đã nhận được sự hỗ trợ của UBND TP. Hà Nội và các Sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Tư pháp Hà Nội trong việc trợ giúp pháp lý tại 30 quận, huyện tại Hà Nội. Qua đó rất nhiều NKT đã được trợ giúp về mọi mặt trong cuộc sống, giúp họ tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng", bà Vân cho hay.
Tại hội thảo, bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều văn bản, chính sách, qui định của Việt Nam liên quan đến công tác phòng, chống hình thức bạo lực cũng như phân biệt đối xử đối với trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật (PNKT) được thể hiện ở Luật NKT; Luật Bình đẳng giới. Về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của NKT và tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện công tác trợ giúp cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Một số địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách như trợ cấp, dạy nghề, tạo việc làm, các chương trình tiếp cận với trẻ em gái và PNKT.
Đến nay có khoảng trên 1 triệu NKT đặc biệt nặng và nặng, trong đó có PNKT và trẻ em gái khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mỗi năm có khoảng 90% bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước khi sinh, 60% trẻ em được sàng lọc bẩm sinh, 60% trẻ em sơ sinh đến 6 tuổi được tiếp cận dịch vụ sàng lọc sớm sau sinh. Khoảng trên 2000 NKT trong đó có phụ nữ, trẻ em khuyết tật tham gia phục hồi chức năng, được cung cấp trang thiết bị và học nghề.
Trang bị về quyền, các vấn đề pháp lý liên quan đến bạo lực tình dục
Chia sẻ tại hội thảo, bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, với chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em gái, trong đó có phụ nữ yếu thế, khuyết tật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, lồng ghép giới vào chính sách cũng như thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, chương trình hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế, khuyết tật.
"Hội đã tham mưu xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 39 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT" và Quyết định 1190 của Thủ tướng Chính phủ về "Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030. Cùng với đó là các hoạt động thuộc dự án "Tăng cường năng lực cho Phụ nữ và Trẻ em gái khuyết tật" như Tọa đàm chính sách; hội thảo về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật; đề xuất khung chính sách sửa đổi về phòng, tránh bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; xây dựng mạng lưới hỗ trợ quốc gia cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nhằm bảo vệ và nêu cao tiếng nói của họ", bà Như cho hay.
Chia sẻ về mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho biết, qua các buổi tập huấn về quyền và các vấn đề pháp lý liên quan đến bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, PNTKT đã được trang bị các kiến thức về quyền và các vấn đề pháp lý liên quan đến bạo lực tình dục. Kiến thức liên quan đến kỹ năng sống, tư duy tích cực, cách thức nhận và phản hồi thông tin. Đặc biệt, PNTKT đã biết cách chia sẻ đồng cảnh với nhau, từ đó hỗ trợ nhau thành lập, phát triển câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật được thuận lợi hơn. Ngoài ra, PNTKT đã được hướng dẫn và thực hành các kỹ năng phòng tránh bạo lực tình dục. Nắm được các cách xử lý khi bị bạo lực tình dục và biết cách liên hệ với ai để được xử lý, cách giữ các bằng chứng như thế nào hoặc các cách tự vệ trong các trường hợp có thể chống trả... "Đó là những kiến thức cơ bản và thiết thực mà nhiều PNTKT vẫn còn chưa nắm chắc để bảo vệ bản thân", bà Lan Anh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đưa ra những đề xuất như việc lồng ghép vấn đề NKT và giới trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội; tăng cường sự tham gia của các tổ chức của NKT trong việc thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức và hỗ trợ NKT, PNKT khi bị đối xử bất bình đẳng và bạo lực; đa dạng các hình thức và phương pháp thực hiện nâng cao nhận thức và hỗ trợ pháp lý cho NKT; có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức để hỗ trợ tối đa cho NKT và PNKT khi gặp vướng mắc về pháp luật; có sự hỗ trợ kịp thời cho các dạng tật khác nhau như: Người khiếm thính, khiếm thị, người khuyết tật trí tuệ…
Trong khuôn khổ hội thảo là hoạt động trao giải cuộc thi vẽ bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình dành cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tại 5 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.