Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nâng cao nhận thức về sinh kế, khởi nghiệp, việc làm cho người cao tuổi

(Dân sinh) - Ngày 3/11/2020, tại Hà Nội, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức “Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi” nhằm phát huy vai trò của người cao tuổi (NCT), tạo việc làm và trợ giúp NCT về sinh kế, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nâng cao nhận thức về sinh kế, khởi nghiệp, việc làm cho người cao tuổi - Ảnh 1.

Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi.

Đẩy mạnh truyền thông về vấn đề sinh kế, khởi nghiệp

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết, theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số, trong đó số người trên 65 tuổi trở lên là hơn 8,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 8,9%); số người trên 80 tuổi trở lên xấp xỉ 2 triệu người (chiếm 17,6% tổng số NCT); có 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu NCT hưởng trợ cấp hàng tháng;  khoảng 1,4 triệu NCT hưởng trợ cấp người có công. Tuổi thọ trung bình của NCT Việt Nam tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (nawm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050; đến năm 2050, NCT sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước.

Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay, rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, vì vậy, NCT đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe tốt, họ mong muốn được tiếp tục đi làm, vừa để tinh thần vui vẻ cũng là có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ NCT không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.

Nâng cao nhận thức về sinh kế, khởi nghiệp, việc làm cho người cao tuổi - Ảnh 2.

TS. Trần Ngọc Diễn cho biết, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức.

"Việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho NCT, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, NCT cần được cộng đồng và doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động của NCT. Cùng với đó là sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề sinh kế, khởi nghiệp và việc làm cho NCT", TS Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh.

Cần có chính sách hỗ trợ sinh kế cụ thể cho NCT

Nâng cao nhận thức về sinh kế, khởi nghiệp, việc làm cho người cao tuổi - Ảnh 3.

TS Nguyễn Hải Hữu cho rằng, NCT cũng có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Về chính sách kinh tế cho NCT, TS Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam cho biết, không phải tất cả NCT đều cần chính sách hỗ trợ về sinh kế, nhất là NCT làm chủ doanh nghiệp. Nhưng đối với nhóm NCT còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể; đặc biệt phải có sự ưu tiên ở vùng khó khăn như: Vốn vay lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, có sự bảo lãnh của Hội NCT để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…

"NCT cũng có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cần có các chính sách miễn giảm phí tham gia khoá học, miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp NCT tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu. Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng thực hiện chính sách hỗ trợ kinh tế cho NCT phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước và tình hình thực tế của NCT", TS Nguyễn Hải Hữu nhận định.

Nâng cao nhận thức về sinh kế, khởi nghiệp, việc làm cho người cao tuổi - Ảnh 4.

TS Nguyễn Lê Minh: Lâu nay khi nói đến khởi nghiệp nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi.

Trao đổi tại diễn đàn, TS Nguyễn Lê Minh, nguyên phó trưởng ban chương trình Quốc gia về việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, lâu nay khi nói đến khởi nghiệp nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Đối với nhiều quốc gia lĩnh vực này rất được quan tâm, bởi họ coi nhóm NCT là nguồn lực quý báu của quốc gia. Cùng với đó, NCT có lợi thế khi làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ này được bồi đắp qua nhiều năm tích lũy mà người trẻ không thể có được. Chính những điều này góp phần cho sự thành công, phát triển cùng tinh thần khởi nghiệp của NCT. Hiện Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình NCT giai đoạn 2021 - 2030, Nhà nước trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như Hội NCT, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Nông dân… giúp NCT khởi nghiệp. Thậm chí, khi NCT đã khởi nghiệp thành công, Nhà nước và các tổ chức Hội sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và trợ giúp những vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh, Luật Lao động, tiêu thụ sản phẩm...

Nâng cao nhận thức về sinh kế, khởi nghiệp, việc làm cho người cao tuổi - Ảnh 5.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa: Thực tế trên thị trường lao động cho thấy, hiện có rất nhiều công việc NCT làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ.

Gợi ý huy động nguồn lực lao động cao tuổi ở Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Trường ĐH KHXH&NV cho rằng, để NCT tìm được việc làm không đơn giản, bởi hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng nào dành cho nhóm lao động này. Trên các website tuyển dụng thường yêu cầu từ 18 đến 35 tuổi. Người lao động trên 45 tuổi có rất ít lựa chọn, nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không tìm được việc làm. Nhóm NCT rất thiếu thông tin về thị trường lao động. "Để giải quyết vấn đề đó, Cục Việc làm đang cùng các trung tâm việc làm ở địa phương tổ chức thu thập thông tin, tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho NCT. Thực tế thị trường lao động cho thấy, hiện có rất nhiều công việc NCT làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Thêm vào đó, khi có tới 7 - 8 triệu NCT tham gia thị trường lao động sẽ tạo ra kích cầu tốt hơn. Khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng lao động là NCT rất cần thiết", TS Nguyễn Thị Kim Hoa cho hay.

Nâng cao nhận thức về sinh kế, khởi nghiệp, việc làm cho người cao tuổi - Ảnh 6.

Quang cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng đề xuất và kiến nghị, Nhà nước cần có thêm các chính sách phù hợp để quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho NCT tiếp tục làm việc. Triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi, đảm bảo cho NCT có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cung cấp cơ hội đào tạo lại cho NCT để họ được nâng cao tay nghề và kỹ năng mới giúp họ có khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới...