Sự chuyển mình cùng du lịch nội địa
Năm 2020 được xem là một năm đầy biến động và thử thách, tác động trực tiếp đến nhiều nhóm ngành trong xã hội Với vị thế mũi nhọn kinh tế, ngành Du lịch – Dịch vụ - Nhà hàng – Khách sạn (Hospitality) phải linh động có những bước chuyển mình phù hợp để lấy lại thế cân bằng, đồng thời mở ra cơ hội phát triển với những giải pháp mới.
Tham gia dẫn dắt phiên hội thảo có sự góp mặt của ông Nguyễn Mạnh Hùng (HRM Khách sạn Hilton Hanoi Opera), bà Đỗ Thị Thu Giang (DOSM Maichau Hideaway Resort – Đại diện Hiệp hội Khách sạn Việt Nam), bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh (Phó Tổng Giám đốc HNAAu – Cố vấn ngoại giao Chefjob.vn - Đại diện đơn vị đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.
Chia sẻ tại phiên thảo luận thân mật, đại diện các đơn vị Nhà hàng – Khách sạn (NHKS) đều cho thấy tình hình chung nhiều khó khăn ở nửa đầu năm 2020, nhưng khoảng cuối Quý II, Quý III-IV/2020, các đơn vị đã mở cửa trở lại với đối tượng phần lớn là nhóm khách nội địa. Nguồn khách này phần lớn đến từ các đơn vị đoàn thể tổ chức hội thảo, họp mặt cuối năm hoặc thông qua các chương trình kích cầu du lịch nội địa.
Sự kiện kết nối đại diện các đơn vị tuyển dụng NHKS 4-5 sao tại khu vực Hà Nội cùng tham gia giao lưu, chia sẻ các giải pháp nhân sự.
Bà Đỗ Thị Thu Giang (Giám đốc Kinh Doanh & Tiếp Thị Mai Châu Hideaway Lake Resort – Đại diện Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) cho biết "Với 80-90% nguồn khách du lịch đến từ nội địa, các doanh nghiệp phải có những chuyển hướng mới về chiến lược, đối tượng mục tiêu, thay đổi bài toán kinh doanh phù hợp. Đây là một cơ hội rất lớn để người Việt trải nghiệm du lịch Việt. Có thể từ rất lâu, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều việc khám phá những tài nguyên du lịch dồi dào của Việt Nam, bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm các dịch vụ 4-5 sao ngay tại chính quê hương mình".
Tuy nhiên, việc tiếp cận nhóm khách du lịch nội địa này cũng sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Nhân sự, khách sạn Hilton Hanoi Opera) chia sẻ: "Phục vụ nhóm khách du lịch nội địa sẽ đòi hỏi cao hơn về mặt kết nối ngôn ngữ. Người Việt với nhau sẽ để ý nhiều hơn về mặt câu chữ, ngôn ngữ cơ thể. Sử dụng tiếng Việt tưởng là lợi thế, nhưng thực sự không ai phải cũng có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt, đặc biệt là trong ngành Hospitality, ngành làm việc về con người."
Một số khác biệt về văn hóa ứng xử, điển hình như về thời gian, "Người phương Tây có thể xử lý vấn đề trong 24 tiếng, còn người Việt Nam phải xử lý ngay trong một nốt nhạc" – Chị Thu Giang chia sẻ. "Với nhóm du lịch nội địa, có thể do gần gũi về mặt khoảng cách địa lý nên các booking "chốt đơn" khá muộn hoặc sát ngày. Điều này sẽ vô tình gây áp lực lên khối vận hành, đặc biệt trong thời điểm số lượng nhân sự mỏng hơn thời điểm bình thường" – Ông Mạnh Hùng cũng có nhìn nhận tương tự.
Đối tượng mục tiêu thay đổi sẽ kéo theo những thích nghi mới về mô hình dịch vụ, những đổi mới về câu chuyện truyền thông để phù hợp với nhu cầu và văn hóa của người địa phương, còn lại chất lượng dịch vụ vẫn phải đảm bảo các tiêu chí 4-5 sao như tiêu chuẩn của doanh nghiệp đã đề ra. "Sự chuyển dịch ở đây là sự thích nghi thị trường mới, chứ không phải thay đổi về chất lượng dịch vụ" – Chị Thu Giang nhận định.
Tâm thế nhân sự ngành Hospitality
Tiếp nối những nhận định về sự chuyển mình trong thị trường ngành Hospitality (lòng hiếu khách), đại diện các đơn vị NHKS cũng phác thảo chân dung nhân sự ngành Hospitality trong bối cảnh mới. Đây sẽ là những định hướng sát thực tế nhằm chuẩn bị cho học viên ngành Hospitality có tâm thế sẵn sàng hơn với những cơ hội việc làm sau những biến động.
Về xu hướng tuyển dụng, ăn uống vẫn luôn là nhu cầu cơ bản của xã hội, vì thế dự kiến trong năm 2021, nhu cầu tuyển dụng các vị trí ở mảng F&B sẽ có nhu cầu cao hơn khối Buồng phòng. Tuy nhiên, ở vị thế nào, các nhân sự trẻ cũng được khuyến khích tự nâng cao khả năng cạnh tranh bản thân trên thị trường lao động bằng sự cầu tiến, khả năng đa nhiệm. Bên cạnh đó, cùng một mặt bằng nền tảng kiến thức, kỹ năng nghề, nhân sự nào có thái độ, năng lượng làm việc tích cực hơn sẽ là điểm sáng được chọn lựa.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh chia sẻ: "Trong một năm nhiều biến động, các hoạt động kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp vẫn được duy trì với những hoạt động như Hotel Tours, Career Talks, đối thoại sinh viên – nhà tuyển dụng… Khi các nhà tuyển dụng vẫn sát cánh cùng nhà trường, các em sinh viên sẽ yên tâm hơn là dù bối cảnh có thay đổi thế nào, chúng ta vẫn sẽ có những giải pháp.. "Nếu không chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại", chúng tôi chọn các giải pháp chuẩn bị cho học viên tâm thế phát triển cùng ngành, sẵn sàng cho những thay đổi của thị trường cũng như khi thị trường quay trở lại".
Trong khuôn khổ sự kiện, lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa HNAAu - Chefjob.vn và các đơn vị Nhà hàng - Khách sạn 4-5 sao tại địa bàn Hà Nội ghi dấu sự cam kết, duy trì phát triển nguồn nhân lực ngành Hospitality, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận (MOU) giữa HNAAu – Chefjob.vn và đại diện các đơn vị tuyển dụng NHKS
Năm 2021, HNAAu - Chefjob.vn đã tham gia ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với 11 đối tác Nhà hàng-Khách sạn 4-5 sao ở khu vực Hà Nội, bao gồm: Hyatt Regency West Hanoi, Melia Hotel Hanoi, InterContinental Hanoi Landmark72, Dolce Hanoi Golden Lake, Wyndham Sky Lake Resort & Villas, Hotel de l'Opera Hanoi – Mgallery, Lotte Hotel Hanoi, Mercure Hanoi La Gare Hotel, Eastin Hotel & Residences Hanoi, Novotel Suites Hanoi, Novotel Hanoi Thai Ha.