Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận hội trường dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
(Dân sinh) - Theo lịch làm việc của Quốc hội, sáng ngày 23/11 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Từ ngày 20 - 28/11, Quốc hội bước vào đợt 2 của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến một số dự thảo luật, công tác phòng chống tham nhũng...

Trong tuần làm việc, Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV; thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi);
Song song, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về các dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Đường bộ.
Đáng chú ý, sáng thứ 5, ngày 23/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngoài ra, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; thảo luận ở hội trường về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Trong tuần, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều).
Dự thảo Luật cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Sửa đổi quy định hưởng Bảo hiểm xã hội một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng Bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng Bảo hiểm xã hội; Sửa đổi căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc;…
Về quy định hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật đề xuất 02 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70, cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định việc hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:
Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia Bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội, có nhu cầu thì được nhận Bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận Bảo hiểm xã hội một lần (chỉ giải quyết hưởng Bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo phương án này, thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội.
Có thể nói, quy định về hưởng Bảo hiểm xã hội một lần là một trong những nội dung trọng tâm được quan tâm sửa đổi trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 lần này.
Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng, vì thế tại thảo luận tổ vừa qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc tìm phương án tối ưu nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Thanh Nhung
.