Ma tuý xâm nhập giới trẻ
Giới trẻ chính là đối tượng dễ dàng sa ngã và bị dụ dỗ vào con đường ma túy. Thực tế, vấn đề này đã được các cấp và các cơ quan, ban, ngành hiểu rõ từ rất sớm và đã đưa ra những biện pháp bảo vệ, giáo dục kỹ năng phòng, chống đến từng nhà trường, môi trường học đường.
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ trong 6 tháng đầu năm nay tăng 9,46% so với cùng kỳ năm ngoái (với hơn 11.200 vụ); xuất hiện tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để mua bán trái phép chất ma túy. Tình trạng tội phạm ma túy sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ ngày càng manh động và nguy hiểm. Đặc biệt là các đối tượng trong những vụ án còn rất trẻ, phần lớn là lứa tuổi 9X và 10X.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Công an cũng cho thấy tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa. Giới trẻ còn rủ nhau chơi ma túy tập thể tại nhà riêng, nhà nghỉ, quán karaoke.
Hiểu biết của giới trẻ về ma túy đến đâu?
Quay trở lại câu hỏi: Giới trẻ hiểu và biết đến đâu về ma túy? Chúng tôi đã nhận được một số câu trả lời từ các bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội.
Bạn Việt Hà (19 tuổi, sinh viên): "Mình biết về ma túy và tác hại của nó thông qua việc tìm hiểu các thông tin trên mạng, cũng như tham gia các buổi ngoại khóa, hướng dẫn kỹ năng khi còn là học sinh. Đối với mình, thông qua những buổi ngoại khóa đó mình được biết thêm nhiều kiến thức về ma túy có những dạng nào, cách nhận biết và xử lý khi gặp phải tình huống bị lôi kéo và dụ dỗ sử dụng ma túy."
Bạn Thùy Dương (21 tuổi, sinh viên): "Ở trường cấp 3 học sinh bọn em đã được học về các kiến thức liên quan đến ma túy, tác hại của chúng như thế nào và cách phòng, chống. Lên đại học thì môi trường và các mối quan hệ cũng mở rộng hơn rất nhiều, nguy cơ bị dụ dỗ sử dụng ma túy hay tâm lý hiếu kỳ sẽ mạnh hơn khi không có bố mẹ, thầy cô giáo sát sao bên cạnh. Em nghĩ ở các trường đại học ngoài các môn học đại cương hay kiến thức chuyên ngành, việc lồng ghép thêm các kiến thức về ma túy (ví dụ như vào môn Pháp luật đại cương) là rất cần thiết cho sinh viên."
Bạn Tố Uyên (sinh viên): "Trong môi trường học đường và rộng hơn là ở ngoài xã hội, học sinh sinh viên có thể gặp rất nhiều các tình huống bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy khác nhau. Theo mình việc giáo dục các kỹ năng phòng, chống ma túy cần mở rộng hơn như không chỉ cho bản thân mà cách xử lý khi phát hiện bạn bè, người quen sử dụng, buôn bán ma túy, hay việc nhận biết biểu hiện, tâm lý của người nghiện ma túy bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau đa dạng sẽ không khiến các bạn cảm thấy nhàm chán"
Việc giáo dục kiến thức và kỹ năng cho học sinh, sinh viên luôn là công việc quan trọng và được đặt lên hàng đầu. Từ việc trang bị những kiến thức nền tảng giúp các bạn nhận thức và hiểu được tác hại của ma túy nguy hiểm như thế nào đối với con người, sau đó là vận dụng những kiến thức đã được học vào cuộc sống.
Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021
Giáo dục phòng chống mà túy trong nhà trường phổ thông có tác dụng nâng cao sức đề kháng của học sinh trước một tệ nạn xã hội đang phát triển, hình thành ở họ một tâm thế đúng đắn trước những vấn đề liên quan tới tệ nạn ma túy. Tổ chức giáo dục phòng chống mà túy trong nhà trường phổ thông có hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu chung xã hội không có ma túy.
Các nhà trường cần giáo dục về mặt tri thức, giúp HS có những hiểu biết cần thiết về các chất ma túy, hiểu rõ tính chất nguy hại của tệ nạn ma túy đối với bản thân, gia đình, nòi giống, cộng đồng xã hội và đất nước; hiểu được hiện trạng về tệ nạn ma túy ở địa phương, trong nước và trên thế giới; hiểu được những thủ đoạn lôi kéo, rủ rê các em vào con đường nghiện hút ma túy; hiểu và nắm vững luật pháp Việt Nam đối với các tội phạm về ma túy.
Ngoài ra, các nhà trường cần giáo dục về mặt thái độ: hình thành ở học sinh lối sống tích cực, lành mạnh; có thái độ không đồng tình, phản đối lối sống buông thả, tệ nạn ma túy đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng trong thanh thiếu niên. Hình thành ở học sinh thái độ kiên quyết chống lại những hành vi rủ rê, lôi kéo các em vào tệ nạn ma túy; có thái độ đúng đắn đối với người nghiện ma túy.
Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn gửi các bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021.
Thủ tướng giao nhiệm vụ: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy; về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình và hoạt động giáo dục của các cấp học...
Riêng Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về Kế hoạch: "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021".
Kế hoạch gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… Mục đích của kế hoạch là nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một môi trường học đường và rộng hơn là một xã hội không ma túy, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của những thế hệ tương lai.