Sẽ chính thức nâng tổng số tham gia Công ước của ILO lên con số 25
Trước đó, ngày 20/5/2020, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo thuyết minh, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết, và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.
"Đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã được hoàn thiện và tương thích với Công ước số 105, đủ độ "chín muồi" để Việt Nam gia nhập Công ước này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Như vậy, theo lịch dự kiến, việc biểu quyết thông qua Công ước số 105 vào sáng ngày mai 8/6, sẽ chính thức nâng tổng số Công ước của ILO mà Việt Nam tham gia tính đến thời điểm này lên con số 25 (trong đó có 7 trong số 8 công ước cơ bản).
Đây là những minh chứng sống động cho thấy hội nhập quốc tế, trong đó có việc tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về lao động là chủ trương lớn, nhất quán của Việt Nam từ khi thực hiện đổi mới đến nay.
Điều đó cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng năng động và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.
Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc thực thi các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động...
Biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn: Công ước 105 của ILO, EVFTA, và EVIPA
Theo Chương trình kỳ họp được Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị, ngay buổi làm việc đầu tiên của đợt 2, vào sáng thứ 2 (8/6) Quốc hội sẽ biểu quyết: Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, EVIPA; Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của ILO.
Việc phê chuẩn EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.
Chiều cùng ngày, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở tổ về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Và việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Cùng với đó, nhiều nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong tuần làm việc này.
Việt Nam: Chủ động, và sẵn sàng tham gia các Công ước quốc tế về lao động
Theo các văn kiện và các chương trình, kế hoạch hành động, Việt Nam cam kết tiếp tục nghiên cứu đề xuất gia nhập công ước 87 về tự do liên kết (dự kiến năm 2023); Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thể hiện sự nghiêm túc trong việc nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019.
Có thể nói, những bước đi cụ thể của Việt Nam trong lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình hội nhập, bởi các công ước cốt lõi của ILO đã trở thành một cấu phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…
Tất nhiên, việc tham gia các công ước, hiệp định này cũng là những cơ sở quan trọng để chúng ta bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động và các bên quan hệ lao động.
Đơn cử như với Công ước số 105. Đây là một trong 8 công ước cơ bản của ILO, được thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29, năm 2007).
Hướng đến đối tượng là người lao động, nên khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này, sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động…
Chính vì thế, việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 của ILO sẽ vừa góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng.
"Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của "giấy thông hành", giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Điều đó góp phần tạo nên những tác động để điều kiện làm việc được cải thiện theo hướng tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, và sự phồn thịnh được chia sẻ công bằng, góp phần mang lại phát triển bền vững.