Nghệ An, hiện có 111 xã đặc biệt khó khăn và 191 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, vùng miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 và 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thuộc các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TX Hoàng Mai. Đến đầu năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5,54% (tương đương 51.949 hộ). Đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống có 4%, (tương đương 41.041 hộ nghèo).
Thời gian qua Nghệ An đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã tiến hành thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện; ban hành quy chế làm việc và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo. Xây dựng, ban hành các nghị quyết chuyên đề; các chương trình, kế hoạch, đề án về chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương. Nhìn chung, nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững chủ yếu là của Trung ương. Năm 2019, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn Nghệ An đạt 3.666.835 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội cũng góp phần quan trọng trong giảm tỉ lệ hộ nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Năm 2020, thông qua cuộc vận động ủng hộ "Quỹ vì người nghèo" và Chương trình "Tết vì người nghèo" đã huy động được trên 250 tỉ đồng. Trong đó, chương trình Tết vì người nghèo Canh Tí 2020 huy động được gần 75 tỉ đồng. UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục phân công 113 cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ giúp đỡ 115 xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây của tỉnh.
Năm 2019, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn Nghệ An, tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó là sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nhờ được tuyên truyền, thông tin nên nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt; mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. UBND các cấp, sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện ngày càng tốt hơn về nguồn lực để hỗ trợ cho các huyện nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, chương trình giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Nghệ An; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Đến nay 100% xã vùng miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã và có điện lưới quốc gia; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng bãi ngang ven biển đã được nâng lên rõ nét, bộ mặt nông thôn trên mọi miền trong tỉnh có nhiều khởi sắc, góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo Nghệ An còn 12,10 % tương đương 95.205 hộ. Số hộ cận nghèo còn 10,23%, tương đương: 80.464 hộ. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 4%, tương đương 41.041 hộ nghèo, bình quân hàng năm giảm 2,18%.
Đến cuối năm 2019, Nghệ An đã có 365 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76,04%, trong đó có 10 xã miền núi và có 7 xã thuộc địa bàn huyện 30a đạt chuẩn gồm: Thạch Giám, Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình, Xá Lượng (huyện Tương Dương) và Châu Tiến (huyện Quỳ Châu); Quế Sơn (huyện Quế Phong); có 4 đơn vị cấp huyện (TP Vinh, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa, Yên Thành) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hết năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo còn 3%.
Mục tiêu giảm nghèo của Nghệ An dự kiến trong 5 năm tới, phấn đấu giảm khoảng 2/3 số lượng hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Nghệ An tập trung chủ yếu ở các vùng: miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, ven biển. Mô hình giảm nghèo quy mô còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn thấp, công tác lồng ghép nguồn lực khó khăn, thiếu bền vững. Trong khi đó, một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo, còn có hiện tượng tách hộ là người già, người khuyết tật... thành hộ riêng để được thụ hưởng chính sách ưu đãi. Dĩ nhiên, nguyên nhân cũng xuất phát từ thực tế phần lớn hộ nghèo lại đông con, thiếu vốn sản xuất và kinh doanh, thiếu việc làm, trong gia đình có người mắc các tệ nạn xã hội như nghiện ma tuý, nghiện rượu, cờ bạc, mại dâm, một số ít còn lười lao động.
Tình trạng du canh du cư, di cư tự do trái phép của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tái định cư di dời dân một số dự án đầu tư thủy điện chưa đảm bảo làm hạn chế kết quả thực hiện chính sách của Nhà nước và mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt thì cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa dành sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên đối với công tác giảm nghèo. Và không loại trừ nguyên nhân, vẫn còn một số vướng mắc trong việc lập hồ sơ đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn chậm so với thời gian quy định.