Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Chạy đua với thời gian đưa các anh trở về

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng còn đó nỗi khắc khoải, day dứt khi có tới gần nửa triệu liệt sĩ vẫn chưa được trở về đoàn tụ với quê hương, gia đình. Nhằm xoa dịu nỗi đau thương, mất mát của các gia đình, các cấp ngành đang ngày đêm chạy đua với thời gian đưa liệt sĩ trở về.

Hành trình đoàn tụ

Đất nước thống nhất đã gần 50 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Toàn, thường trú tại phường Tân Thịnh (TP Thái Nguyên, Thái Nguyên) luôn đau đáu tìm phần mộ của người anh trai - liệt sĩ Nguyễn Huy Hoàn. 

quy tap.jpg
Đội K52 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đưa liệt sĩ về đất mẹ.

Ông Toàn kể, lá thư cuối cùng gia đình nhận được từ anh trai vào ngày 15/7/1971, khi đó đơn vị ông Hoàn đang chiến đấu tại Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Năm 1996, gia đình đã liên hệ với Sư đoàn 316, Quân khu IV tìm kiếm thông tin, nhưng không thu được nhiều kết quả…

Năm 2005, gia đình ông trực tiếp đến Sư đoàn 316 và may mắn có được thông tin lưu trữ tại Sư đoàn chi tiết về vị trí mộ của liệt sĩ Nguyễn Huy Hoàn tại nghĩa trang mặt trận Lào.

Sau đó gia đình tìm hiểu và được biết khả năng mộ liệt sĩ Hoàn đã hoặc sẽ được chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào thuộc huyện Anh Sơn (Nghệ An) và đã liên hệ với Ban quản lý nghĩa trang thì không thấy ngôi mộ nào có tên như vậy. 

Năm 2022, gia đình ông Toàn lại bắt đầu việc đi tìm mộ liệt sĩ Hoàn bằng cách đưa thông tin trên kênh tìm liệt sĩ trên mạng xã hội và nhận được lời khuyên là liên hệ lại với Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Ban quản lý đã khoanh vùng các mộ chuyển về từ khu vực liệt sĩ Nguyễn Huy Hoàn chiến đấu để lấy mẫu ADN. 

Tháng 11/2022, được Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) thông báo lấy mẫu thân nhân xác định ADN để đối chứng. Ngày 18/7/2023, gia đình nhận được thông báo từ Cục Người có công là đã có kết quả đối chứng mẫu ADN của ngôi mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt - Lào xác định đó là huyết thống của gia đình.

Sau khi hoàn tất một số thủ tục cần thiết liên quan đến việc nhận mộ liệt sĩ, ngày 23/7/2023 gia đình ông Toàn đã vào Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào nhận mộ, đặt bia, tạ mộ anh và thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại đây.

Còn với gia đình anh Lê Tuấn Anh ở phường Định Công Thượng, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) đã vỡ oà cảm xúc khi tìm thấy phần mộ người chú ruột là liệt sĩ Lê Đức Hùng sau hành trình 50 năm tìm kiếm. 

Liệt sĩ Lê Đức Hùng (sinh năm 1949, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), nhập ngũ năm 1966, chiến đấu tại đơn vị đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Quảng Đà, Quân khu V và hy sinh tháng 12/1968.

Do chiến tranh khắc nghiệt, mãi đến năm 1970, gia đình mới nhận được giấy báo tử, nhưng không có điều kiện đi tìm mộ liệt sĩ. Đất nước thống nhất, gia đình đã nhiều lần đi tìm kiếm, thậm chí năm 2000 vào Quảng Trị tìm kiếm gần một năm trời nhưng không thu được thông tin gì. 

Tháng 7/2018, sau khi xem chương trình khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, anh Lê Tuấn Anh lập tức truy cập với niềm hy vọng có được manh mối nào về phần mộ của người chú.

Thật bất ngờ khi vừa gõ tên, quê quán của liệt sĩ Lê Đức Hùng thì hiện ra cụ thể thông tin khác ở phía dưới gồm năm sinh, năm mất, đặc biệt là nơi an táng hiện tại ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cùng vị trí ngôi mộ.

Ngày 22/7/2019, gia đình anh Lê Tuấn Anh đã làm các thủ tục để đưa hài cốt liệt sĩ Lê Đức Hùng về yên nghỉ tại quê nhà ở nghĩa trang An Lạc Viên, phường Thịnh Đức, Thái Nguyên.

Ứng dụng công nghệ xác định thông tin liệt sĩ

liet si.jpg
Tiễn đưa liệt sĩ về với đất mẹ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ba Dốc, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Ảnh: Lưu Hương

 

Cả nước có 1,2 triệu liệt sĩ. Sau nhiều năm triển khai công tác quy tập 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về an táng tại các nghĩa trang, nhưng trong số này vẫn còn hơn 300.000 mộ chưa xác định được thông tin. Gần 200.000 mộ liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi bìa rừng, khe suối, ở  Lào và Campuchia. 

Để phần nào xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị quân đội, ngành LĐ-TB&XH quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai với tinh thần quyết liệt thần tốc. Đặc biệt với việc ứng dụng khoa học công nghề vào công tác tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sĩ đã đem lại những kết quả khả quan. 

Tổng kết kết quả thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Đề án 1237) và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) từ 2013 đến 2023, Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cho biết, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (trong nước hơn 8.000; tại nước bạn Lào hơn 2.000; Campuchia hơn 6.000).

Các đơn vị chức năng tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp (bằng phương pháp thực chứng được gần 3.000 trường hợp, bằng phương pháp giám định ADN được hơn 1.000 trường hợp).

Là một trong 3 đơn vị chủ lực trong công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm giám định ADN phát triển 13 quy trình phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm; thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công và bàn giao đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH).

PGS, TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trước đây các đơn vị sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ dựa trên phân tích ADN ty thể. 

Tuy nhiên, với chất lượng mẫu ngày càng khó khăn, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ứng dụng giám định công nghệ ADN ty thể vào quy trình giám định thường quy. Nhưng nay xu hướng thế giới với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại với máy giải trình tự gene thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gene nhân sử dụng công nghệ mới.

Ứng dụng công nghệ mới về khai thác ADN xương cổ được phối hợp Viện Khảo cổ học nhằm xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến nghìn năm. Đây là cơ sở tiếp tục phát triển giám định mẫu ADN xương cổ các liệt sĩ có thời gian chôn lấp đưa vào giám định từ 40 - 80 năm.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia 515 nhấn mạnh, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ phải tiến hành thần tốc, chạy đua với thời gian để đưa các liệt sĩ trở về với người thân, gia đình, quê hương, "về với những người cha, người mẹ ngày một cao tuổi nhưng vẫn mong ngóng tin con". 

Đây không chỉ là tình cảm, đạo lý mà còn là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi những đơn vị, tổ chức, cá nhân đang làm công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ phải quyết tâm cao nhất để vượt qua những thách thức, khó khăn rất lớn nhằm thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Cả nước vẫn còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính và khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là mục tiêu cao nhất của công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, "phải áp dụng mọi biện pháp, càng sớm, càng tốt".

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để khoanh vùng khu vực tìm kiếm, quy tập; lấy mẫu sinh phẩm, phân tích, lưu trữ thông tin của hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân liệt sĩ, với tinh thần "những gì làm được phải làm ngay".

Nguyễn Síu

Báo Lao động và Xã hội số kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ