Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức nữ chiến sĩ hậu cần quân y

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với truyền thống yêu nước nồng nàn "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", bất chấp gian khổ, hiểm nguy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục nghìn phụ nữ đã hăng hái ra tiền tuyến. Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng sự có mặt của những nữ chiến sĩ đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

“Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”

Trong những ngày cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với cụ Đỗ Thị Vấn (95 tuổi), nữ chiến sĩ hậu cần quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Mặc dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng Đại uý hậu cần quân y Đỗ Thị Vấn (hiện ở khu tập thể Viện Quân y 103 Hà Nội) vẫn còn minh mẫn. Khi được hỏi về những ký ức Điện Biên năm xưa, khí thế hào hùng của tuổi thanh xuân phơi phới lại ùa về trong cụ.

Ảnh 1 cụ Vấn Điện Biên.jpg
Cụ Vấn vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày gian khó và hào hùng làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Cụ kể, năm 1952 khi mới 22 tuổi, cụ nhập ngũ và được biên chế vào đội điều trị 3 tham gia chiến dịch Hòa Bình năm 1953. Khi chiến dịch Hòa Bình thắng lợi, cụ được điều về đồng bằng, vừa chăm sóc thương binh, vừa học tập chính trị. Sau đó, đội được cử đi Bắc Mục (Hà Giang) chữa trị cho tù binh Pháp.

Mặc dù trong lòng rất căm hận quân xâm lược nhưng đây là một trong những chính sách khoan hồng của Đảng, của quân đội ta nên các chiến sĩ quân y đã chăm sóc, cứu chữa số tù binh Pháp bị thương rất tận tình. 

“Điều trị cho tù binh Pháp còn khó khăn hơn so với bộ đội ta vì thể hình họ to lớn, lại vấp rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Vì tính chất nhân đạo nên chúng tôi vẫn tận tình chữa trị nên họ rất cảm phục.

Đến ngày 25/12/1953, ta phóng thích lính Pháp về nước, mỗi người lính Pháp được tặng một chiếc khăn mùi xoa thêu con chim hòa bình và 1 Huy hiệu Bác Hồ. Họ rất phấn khởi và cảm động”, cụ Vấn nhớ lại.

Sau ngày phóng thích lính Pháp, đầu năm 1954, đội điều trị 3 hành quân lên chiến dịch Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ lúc bấy giờ).

Đường hành quân lên chiến dịch rất nguy hiểm, trên đầu luôn có máy bay trinh sát và máy bay ném bom của địch. Gần một tháng trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt qua phà Âu Lâu, Tạ Khoa, đỉnh Lũng Lô, đèo Cò Nòi, dãy núi Pha Đin... đội điều trị cũng đến được địa điểm tập kết là các hầm được bố trí rải rác khắp sườn đồi.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ hệ thống cơ sở điều trị được triển khai dưới mặt đất tạo thành bệnh viện ngầm. Mọi hoạt động chuyên môn sinh hoạt của cán bộ, y, bác sĩ và thương bệnh binh đều ở dưới hầm”, cụ Vấn cho biết.

Tất cả vì thương binh

Đội điều trị 3 ở ngay gần mặt trận, có nhiệm vụ tiếp nhận thương binh và phân loại rồi chuyển dần các thương binh về phía sau. “Ở chiến trường Điện Biên có 8 đội điều trị được chia làm 3 phân khu, khu trọng thương, khu trung thương và khu khinh thương (bị thương nhẹ).

Tôi làm ở khu trọng thương với nhiệm vụ là hậu cần quân y bao gồm nấu ăn, phục vụ cho cả y tá, bác sĩ và chăm sóc thương, bệnh binh.

Mỗi khi nghe tiếng súng từ xa dồn dập đổ về là chúng tôi biết lại một ngày vất vả vì chỉ khoảng 40 phút sau đã có thương binh chuyển tới. Đội 3 có ngày tiếp nhận gần trăm người, chúng tôi hối hả ra đón thương binh về hầm, sắp xếp, phân loại để tiện theo dõi chăm sóc.

Các y tá khẩn trương sơ cứu, rửa vết thương, kiểm tra và báo cáo với y bác sĩ những thương binh cần được phẫu thuật kịp thời để hạn chế tử vong hoặc hoại tử. 

Nhìn các đồng chí thương binh người bị cụt tay, cụt chân, người bị chấn thương ở đầu... máu chảy nhiều, chúng tôi vừa đau xót vừa khâm phục tinh thần chiến đấu dũng cảm của các anh”, nữ chiến sĩ hậu cần quân y kể lại.

ảnh 2 - Thượng Nguyên chắt nội (2).jpg
Chắt nội Nguyễn Thượng Nguyên vẽ tranh trong niềm xúc động và tự hào về hai cụ của mình đều là chiến sĩ Điện Biên.

Cụ Vấn cho biết, điều kiện chiến trường lúc đó cực kỳ thiếu thốn, mỗi người chỉ được hai bộ quần áo. Nhiều lúc, khi tiếp nhận thương binh về điều trị quần áo họ dính đầy máu, bị rách do đạn pháo, anh chị em quân y lại nhường quần áo của mình cho họ. Mỗi khi bác sĩ tiến hành phẫu thuật, các nữ chiến sĩ lại dùng chăn của mình để che cửa hầm, tránh ánh sáng lọt ra ngoài.

Khi nhiều thương binh, các bác sĩ phải làm việc liên tục, đội ngũ y tá, hậu cần túc trực trợ giúp. “Nhiều hôm bữa trưa của chúng tôi được ăn vào lúc 2 giờ chiều là bình thường. Không chỉ chăm sóc, cấp cứu thương binh mà lực lượng hậu cần quân y còn làm tất cả mọi việc, từ cho thương binh đi vệ sinh, giặt giũ quần áo đến ăn uống, dọn dẹp... 

Nếu có ai hy sinh, chiến sĩ hậu cần làm luôn cả việc khâm liệm. Đêm đến còn phải đốt đuốc đi coi xác đồng đội vì sợ beo, sóc quấy phá. Trước khi chôn cất, chỉ kịp đẽo thanh gỗ ghi tên và ngày hy sinh của liệt sĩ. Xác các chiến sĩ được chôn ở phía sau của hầm pháo”, Đại úy Đỗ Thị Vấn cho biết.

Nói về công việc chăm lo cơm dẻo canh ngọt cho bộ đội và các bác sĩ tại mặt trận, cụ Vấn nhớ như in những tháng ngày gian khổ cùng đồng đội băng rừng tìm rau xanh, gánh nước sạch và kiếm củi về nấu.

“Có lần, khi tôi đang nhặt củi bên bờ suối, thì máy bay trinh sát của địch quần thảo trên bầu trời, lúc sau máy bay khác lao đến thả bom, cả đội nấp vội vào khe suối, một mảnh bom hình răng cưa rơi sát ngay người, cầm lên nóng bỏng tay mà hú hồn. 

Về đến đơn vị, anh chính trị viên thấy chúng tôi mừng quá reo lên: “Chúng tôi đang định cử người đi tìm, may mắn là các đồng chí đã trở về””, cụ Vấn nhớ lại.

Những công việc hậu cần tưởng chừng như rất bình thường đó, nhưng nếu không sống trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh thì không thể hiểu, không hình dung ra được những thiếu thốn, khó khăn, vất vả mà mỗi người đã trải qua để đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng.

Nhớ lại cảm xúc khi đón tin chiến thắng lịch sử chiều ngày 7/5/1954, cụ Vấn bồi hồi xen lẫn xúc động cho biết, “cả buổi sáng hôm đó, chiến trường bỗng im tiếng súng.

Đến tầm chiều thì được tin chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn, lúc đó tất cả quân ta đều reo hò, vui mừng khôn tả. Ấn tượng nhất là khi vừa giải phóng, trên đường về Phú Thọ, rất đông đồng bào đổ ra hai bên đường chào đón bộ đội, họ mang nước, chuối chín ra mời mọi người ăn. 

Trong tiềm thức của thế hệ chúng tôi, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là sự kiện lịch sử trọng đại, một mốc son chói lọi của dân tộc gắn với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Nói về truyền thống gia đình, tiến sĩ Nguyễn Thị Vân, con gái của cụ Vấn không giấu nổi niềm tự hào cho biết: “Chúng tôi được sinh ra trong gia đình mà cả cha và mẹ đều là chiến sĩ Điện Biên. Cha tôi đi bộ đội năm 1947. Năm 1951, cụ được sang Trung Quốc học sử dụng vũ khí, sau đó kéo pháo từ Trung Quốc về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi đó, cụ thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 (sau này là Sư đoàn 367) là Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; mẹ tôi được biên chế vào Đội điều trị 3, tiền thân của Viện Quân y 103 bây giờ. Cha mẹ tôi có 7 người con, trong đó 2 con trai và 1 con gái đều là sĩ quan quân đội, 2 con rể là trung tướng quân đội và thiếu tướng công an. 

Mẹ tôi có anh trai hy sinh ở chiến dịch Tây Bắc, em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bà ngoại chúng tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng khi có 2 con trai hy sinh ngoài mặt trận”. 

“Chúng tôi hiểu rằng, hòa bình ngày hôm nay được đánh đổi bằng những sự hy sinh không thể đong đếm của các thế hệ đi trước.

Tôi rất tự hào bởi cha mẹ mình cũng như nhiều bậc tiền bối khác không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là những người góp phần vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chị Nguyễn Thị Thúy Nga, con gái út của cụ Vấn chia sẻ.

 

Thùy Hương

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5