Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng vị tướng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Một vị tướng trận từng kinh qua ba cuộc chiến từ chống Pháp, chống Mỹ đến chiến tranh biên giới lại có một câu chuyện tình lãng mạn đến thế. Đó chính là câu chuyện về tình yêu thời chiến của tướng Hoàng Đan và nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh.

Đạp xe hơn 1.300km về cưới vợ

Ông Hoàng Đan xuất thân trong một gia đình danh giá, được học hành đầy đủ và sớm đi theo cách mạng. Không chỉ nỗ lực học tập và nghiên cứu nghệ thuật quân sự Đông - Tây, ông còn say mê văn học, nghệ thuật, triết học, tâm lý học…

Khác với ông Đan, bà An Vinh là người ở trong nhà bác ông Hoàng Đan, dù trước đó gia đình bà rất khá giả nhưng sa cơ lỡ vận.

Không so đo thân phận, ông Hoàng Đan quyết nhắm người con gái thùy mị, kín đáo, ấm áp và nghị lực.

Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng vị tướng - 1
Buổi ra mắt “Thư cho em” của tác giả Hoàng Nam Tiến.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Hoàng Đan tức tốc lên gặp Bộ Chỉ huy để xin nghỉ phép về quê cưới vợ.

Ông Hoàng Đan đã đạp xe từ Điện Biên về Nghệ An tìm bà An Vinh. Biết người yêu được cử ra Thái Nguyên học tập, ông lại ngược về Việt Bắc rồi vượt sông sang Lạng Sơn khi hay tin bà đã phân công về đây công tác. Tổng quãng đường xấp xỉ 1.300km, tương đương từ Hà Nội vào Nha Trang.

Thế nhưng lúc hội ngộ, bà An Vinh đã từ chối lời cầu hôn của ông Hoàng Đan vì muốn tập trung phấn đấu công tác. Bởi lẽ bà xuất thân là một cô bé đi ở, có khát khao thay đổi số phận mạnh mẽ.

Lời từ chối đó là cú sốc quá lớn với ông Hoàng Đan. “Nếu lấy anh, em sẽ quay trở về quê, cả cuộc đời gắn với chuyện chăm sóc bố mẹ chồng và những đứa con”, nghe xong lời tâm sự của người yêu, ông Hoàng Đan mới thực sự hiểu.

Và để cưới được bà An Vinh, ông Hoàng Đan đã hứa sẽ "không làm gì cả", không có con trong 3 năm đầu để vợ được tập trung vào sự nghiệp. Đêm tân hôn, ông không ngủ phút nào, chỉ cầm tay vợ nói chuyện, còn bà An Vinh ngủ được vài ba tiếng.

Người lính đã giữ lời hứa đó cho đến năm 1958, khi vợ được chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội làm việc, hai người mới có cậu con trai đầu tiên.

Nhưng vợ chồng ông, bà chưa bên nhau bao lâu thì chiến trường vẫy gọi ông lên đường. Hết chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào đến Trị Thiên, Thượng Đức rồi chiến dịch Mùa xuân năm 1975, sau đó lại chiến tranh biên giới cho tới năm 1984 vị tướng ấy mới được đoàn tụ dài lâu bên vợ.

Với bà An Vinh trong ngần ấy thời gian ông ở chiến trường, bà không chỉ nuôi con chờ chồng mà bà còn phấn đấu không kém gì ông ngoài mặt trận.

Từ một người chưa học hết cấp II, bà vừa tay bồng tay bế con thơ, chăm cha mẹ già vừa học lên cấp III, học đại học rồi tu nghiệp cả ở nước ngoài, làm cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch số 5 Nam Bộ... rồi đại biểu Quốc hội. 

Động lực để bà làm được những việc phi thường này chính là tình yêu với người chồng tài ba, để được "cân xứng" với chồng. Và hạnh phúc nhất là trong hành trình học tập của bà An Vinh luôn có chồng ủng hộ.

Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng vị tướng - 2
Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) và vợ - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh (1933 - 2022).

Nén tình yêu cá nhân… dành tình yêu cho đất nước

Cuốn sách “Thư cho em” của tác giả, doanh nhân Hoàng Nam Tiến – con trai của tướng Hoàng Đan và nữ đại biểu quốc hội Nguyễn Thị An Vinh được ra mắt vào ngày 10/4.

Thư cho em dày 300 trang, gồm 4 phần: Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!; Hương gây mùi nhớ; Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ và Về đây bên nhau. 4 phần tương ứng các mốc thời gian từ khi vợ chồng ông Hoàng Đan và bà An Vinh nên duyên đến tháng ngày phải xa cách vì chiến tranh, cuối cùng là cuộc sống tuổi già bên nhau.

Những bức thư mấy chục năm tuổi, giấy đã vàng ố màu thời gian. Ông Tiến chậm rãi đọc thư qua nhiều năm, như những thước phim tua lại về hành trình 50 năm bên nhau của ba mẹ.

Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Mình đã mường tượng "ba Đan" viết thư cho mẹ khi vội vàng trong những đợt chuyển quân, khi thư thả những ngày đi Liên Xô học và hình ảnh khi mẹ xong việc nhà, cho con ngủ yên rồi mới khêu đèn viết thư cho chồng”.

Đọc “Thư cho em” độc giả cảm nhận được một tình yêu lãng mạn cách mạng giữa tướng Hoàng Đan và người vợ của mình.

Tình yêu của họ lớn dần trong tình yêu đất nước, trong dòng chảy lịch sử, trong khát vọng hòa bình. Từng lá thư như những sợi dây mềm buộc một cuộc tình 50 năm bền chặt, qua ngày tháng, từ từ được mở ra.

"Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn và còn phải một thời gian nữa và được như anh mong thì tốt, tức là năm nay kết thúc được chiến tranh, năm nay sẽ có một Điện Biên của 1972, Điện Biên đánh Mỹ.

Tháng 5/1954 kết thúc đánh Pháp, anh về cưới em. Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm xa nhau để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. 

Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng. Anh vẫn khỏe, năm nay chiến đấu liên tục. Khá căng thẳng nhưng anh vẫn chịu đựng được..." - (Thư ông Hoàng Đan gửi vợ An Vinh, cuối tháng 8/1972).

Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau, kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1884...

Theo tác giả Hoàng Nam Tiến, chuyện tình của ba mẹ anh là câu chuyện điển hình trong thời chiến, khi cả một thế hệ biết nén tình yêu cá nhân để dành tình yêu cho đất nước.

Tác giả đọc những câu trích trong thư ba anh đã viết cho mẹ:“ Vợ chồng nào cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau, nhớ nhau nhất...”; “Đã từng yêu sôi nổi như khi chưa cưới, yêu sâu sắc từ những ngày mới cưới và yêu thầm lặng như sau lúc có con. Bây giờ thì tình yêu đã thành tự nhiên rồi... 

Lúc nào cũng nghĩ đến vợ, thương vợ nhiều, thương vợ phải xa chồng nhiều, không có chồng thường xuyên săn sóc...” và hẹn với vợ: “Chúng ta tạm xa nhau để vì hạnh phúc chung của nhân dân. Trong đó có hạnh phúc riêng của chúng ta cùng con cái”.

Chuyện tình lãng mạn của vợ chồng vị tướng - 3
Những bức thư Tướng Hoàng Đan gửi cho bà An Vinh.

Tác giả Hoàng Nam Tiến chia sẻ cảm xúc của mình với độc giả, sau khi đọc những bức thư mà ba mẹ gửi cho nhau. Chính bản thân ông đã tìm thấy rất nhiều bài học từ tình yêu của ba mẹ.

Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó: “Bởi vì đó là tình yêu thật sự, vì vậy nó có thể sống cùng với thời gian, thử thách. Nó có thể tồn tại ở những thể khác nhau nhưng nó vẫn là tình yêu”.

“Ba mẹ tôi có khoảng hơn 10 cuốn nhật ký, thời xưa không có điện thoại cũng không có internet, thành ra ba mẹ tôi cứ mỗi một ngày đều viết nhật ký, vào cuối tuần khi được gặp nhau thì họ đổi Nhật ký cho nhau. Rồi khi ba tôi đi xa, không đổi được nhật ký thì bằng những bức thư.

Câu chuyện của ba mẹ tôi thực ra không có gì đặc biệt cả, đấy là tình yêu người lính với người vợ hậu phương, những người phụ nữ mà mình gọi là ba đảm đang. 

Trong những bức thư ba mẹ tôi gửi cho nhau thì ba mẹ luôn động viên nhau phải học hành, điều này tôi rất thích. Tôi nghĩ rằng khi yêu nhau, không chỉ là nhìn vào mắt nhau, khi yêu nhau thì phải cầm tay nhau cùng nhìn về một phía và cùng tiến bước”, ông Tiến kể.

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật xúc động: "Thư cho em" được viết ra không chỉ để lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình mà còn chia sẻ với độc giả hôm nay về tình yêu cao đẹp của một thời đại anh hùng của dân tộc.

Thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) và vợ - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh (1933 - 2022). Thiếu tướng Hoàng Đan sinh ra ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống lâu đời, nhiều thế hệ đỗ đạt ra làm quan, làm thầy thuốc.

Gia đình ông cả bên nội lẫn bên ngoại đều có nhiều người tham gia cách mạng. Tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, qua sự giới thiệu của người thân, ông tham gia vào Mặt trận Việt Minh, theo truyền thống của gia đình.

Đầu năm 1946 ông được cử đi học Trường Quân sự quân khu mới mở ở Nhượng Bạn, Hà Tĩnh và sau khi ra trường, ông về hoạt động ở Tiểu đoàn Đông Hà (Quảng Trị) thuộc Trung đoàn Tiếp phòng quân đóng ở Bình-Trị-Thiên lúc bấy giờ.

Từ những trận đánh đầu tiên ở Cam Lộ tiến về Đông Hà, ngăn chặn địch tại Gio Linh, phục kích đánh tàu địch trên sông Đông Hà, phục kích và chống càn ở nam Vĩnh Linh, đánh quận lỵ Gio Linh... cho đến những trận chiến đấu ở Binh đoàn chủ lực, chiến dịch Hòa Bình, Thu Đông năm 1952, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), Quảng Trị (1972), chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).

Thống nhất đất nước rồi vẫn chưa hết, vị tướng ấy còn gắn liền cuộc đời binh nghiệp trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1984. Sau đó tướng Hoàng Đan mới được đoàn tụ với vợ con và gia đình.

 

Nguyễn Síu

Báo Lao động Xã hội

Kỷ niệm 49 năm Ngày 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động 1/5