Trải qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đến nay TP. Đà Nẵng có hơn 109.000 lượt đối tượng được xác nhận và giải quyết chính sách, chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Trong hơn 73.000 lượt người có công với cách mạng, có 2.220 liệt sĩ, 1.427 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 249 cán bộ “Lão thành cách mạng”, 547 cán bộ “Tiền khởi nghĩa”, 1770 Mẹ VNAH được phong, truy tặng; 3.192 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, 6.091 người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tra tấn…Hiện, TP. Đà Nẵng có hơn 22 ngàn lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hàng năm trên 330 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trao bằng khen cho các đơn vị đã có thành tích trong việc hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho người có công với cách mạng.
Cùng với việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, công tác giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cũng được TP. Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. Xác định đây là việc làm phức tạp, trong điều kiện chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thông tin ban đầu, tài liệu lưu trữ không được chặt chẽ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hầu hết trưởng thành sau chiến tranh, người biết sự việc thì tuổi cao sức yếu, trí nhớ hạn chế…nên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác rà soát, phát hiện, lập hồ sơ xác nhận, giải quyết chính sách đối với những người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến trên địa bàn.
Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay thành phố đã tiếp nhận và đề nghị xác nhận, giải quyết chính sách cho 890 đối tượng, trong đó có 155 đối tượng được xác nhận người hưởng chính sách như thương binh, 219 đối tượng đã được xác nhận liệt sĩ; 492 đối tượng được xác nhận người bị địch bắt tù, đày và 24 đối tượng đề nghị xác nhận cán bộ “Tiền khởi nghĩa”. Hiện, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác xác nhận chính sách tồn đọng sau chiến tranh.
Không chỉ thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, hơn 20 năm qua, TP. Đà Nẵng đã giải quyết cho hơn 15.450 lượt học sinh, sinh viên là con của thương, bệnh binh, liệt sĩ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo, với kinh phí trên 100 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 10.460 học viên, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo được hưởng trợ cấp hàng tháng. Việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi trong giáo dục- đào tạo đã tạo điều kiện cho con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ có cơ hội học tập, trưởng thành tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha ông trong sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì tổ quốc, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay, toàn TP. Đà Nẵng có 3.256 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ VNAH. Hiện có 226 Mẹ còn sống, 100 % các Mẹ đều được các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng mới mức 1 triệu đồng/ tháng. Đối với các Mẹ có mức phụng dưỡng thấp hơn, thành phố sẽ sử dụng ngân sách để cấp bù. Ngoài tiền phụng dưỡng, các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng các vật dụng gia đình, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà…đã thực sự mang lại cho các Mẹ có cuộc sống ổn định về vật chất và tinh thần.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở người có công với cách mạng, từ năm 2014 đến nay, TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ 4.936 hộ chính sách xây mới và sửa chữa nhà ở, với kinh phí trên 141 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2017, thành phố hỗ trợ xây mới và sửa chữa gần 1.400 nhà ở, với kinh phí 42 tỷ đồng.
Được biết, theo quy định, chương trình hỗ trợ sửa chữa nhà ở được Trung ương hỗ trợ 80% kinh phí, địa phương 20%, tuy nhiên trong điều kiện kinh phí Trung ương gặp nhiều khó khăn không cân đối được, TP. Đà Nẵng đã chủ trương huy động từ nhiều nguồn khác nhau như ngân sách của thành phố 50 tỷ đồng; ngân sách các quận, huyện: 29 tỷ đồng; huy động từ các sở, ban, ngành, mặt trận, hội đoàn thể…20 tỷ đồng; vận động các doanh nghiệp và Qũy “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp 42 tỷ đồng đã thực sự gỡ được “nút thắt” về kinh phí phục vụ chương trình. Mỗi gia đình được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở còn được thành phố tặng 01 chiếc ti vi khi về căn nhà mới.
Từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người có công với cách mạng trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã và đang tạo nên sự đồng tình ủng hộ của mọi tầng lớp xã hội, nhân dân, đối tượng chính sách phấn khởi. Đây chính là động lực phát huy sức mạnh cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống của người có công với cách mạng, đảm bảo mọi gia đình chính sách đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.